SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cơ chế tài chính cho các nhiệm vụ KHCN: Cần áp dụng khoán toàn phần

[22/02/2021 08:52]

Vừa có nhiều công trình khoa học công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín vừa có nhiều nghiên cứu ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội đáng kể, PTN trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu (Keylab PRT), thuộc Bộ Công thương, là một trong những nơi hiếm hoi tự chủ bằng cả “hai chân kiềng” này.

GS Vũ Thị Thu Hà

Khoa học và phát triển đã trao đổi với GS Vũ Thị Thu Hà - Giám đốc Keylab PRT về những dự định của năm Tân Sửu.

Dường như việc có thể thực hiện từ A đến Z, đặc biệt đưa các sáng chế của mình vào triển khai trong thực tiễn là thế mạnh của Keylab PRT?

Nhờ theo cách thức từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng – tức là đứng bằng “hai chân” của KH&CN, hầu hết các sản phẩm của chúng tôi đều mang tính tiên tiến, chứa đựng hàm lượng khoa học cao và có giá trị gia tăng cao. Đơn cử, công nghệ sản xuất dung môi sinh học của chúng tôi được cấp tổng cộng sáu Bằng độc quyền Sáng chế, gồm hai bằng do Cục Thương hiệu và Bản quyền sáng chế Hoa Kỳ cấp; một bằng do Cơ quan Sáng chế châu Âu cấp, một Bằng do Cơ quan Sở hữu trí tuệ Brazil cấp và hai Bằng do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp. Hơn nữa, do đặc thù hoạt động theo cơ chế tự chủ ngay từ khi vừa thành lập, chúng tôi luôn cố gắng tham gia nhiều nhất vào chuỗi giá trị sản phẩm, đối với các sản phẩm/công nghệ mà chúng tôi tạo ra. Trong số đó, công trình nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất phụ gia đa năng, tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải ô nhiễm cho các hoạt động giao thông, vận tải và công nghiệp, có sử dụng nhiên liệu lỏng, thực sự là một kết quả nổi bật, thành quả của quá trình nghiên cứu triển khai công nghệ, sản xuất thử nghiệm (thông qua một dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương trình KC051), ứng dụng thử nghiệm, tiếp cận thị trường. Đến nay, sản phẩm phụ gia đa năng tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải ô nhiễm, FNT6VN sẵn sàng tới tay người tiêu dùng.

Có nhiều người hỏi tôi là đã có nhiều loại phụ gia tiết kiệm nhiên liệu trên thị trường, tại sao lại cần có thêm một loại tương tự? Chúng tôi theo đuổi sản phẩm này nhiều năm qua là do mỗi loại phụ gia thường chỉ phù hợp với một loại nhiên liệu nhất định, tỉ lệ pha trộn phụ gia vào nhiêu liệu còn cao, thấp nhất cũng khoảng 0,01% khối lượng nhiên liệu dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nhiên liệu, và hiệu quả tiết kiệm năng lượng của các phụ gia mới chỉ dao động trong khoảng trên dưới 5% khối lượng nhiên liệu tiêu thụ. Phụ gia đa năng FNT6VN của chúng tôi có thể sử dụng cho mọi loại nhiên liệu, từ xăng thông thường, xăng sinh học, diesel, diesel sinh học đến dầu FO, đồng thời có ưu điểm vượt trội là tỉ lệ pha trộn vào nhiên liệu là rất thấp, chỉ dao động từ 6-22 ppm (phần triệu) tùy theo loại nhiên liệu, không làm thay đổi bất kỳ chỉ tiêu chất lượng nào của nhiên liệu, không gây ra bất kỳ tác động nào đến các chi tiết làm bằng kim loại hoặc phi kim tiếp xúc với nhiên liệu. Mặt khác, dù tỉ lệ pha trộn thấp như vậy nhưng phụ gia này lại có thể làm tăng công suất (động cơ/nồi hơi) ít nhất 5%, tiết kiệm nhiên liệu ít nhất 8%, giảm khí thải độc hại HC, CO và độ khói (đối với động cơ diesel) đến 20%. Quy trình công nghệ sản xuất thành phần cốt lõi của phụ gia đã được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong năm 2020.

Trong PTN Keylab PRT

Hẳn là có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm nhận chuyển giao công nghệ sản xuất một phụ gia đa năng có nhiều ưu điểm nổi trội như vậy?

Hiện tại, chúng tôi đang hoàn tất một số hợp đồng với các doanh nghiệp trong nước để đưa phụ gia vào sử dụng. Có tin vui là một số quỹ môi trường toàn cầu đang xem xét hồ sơ để hỗ trợ vốn đầu tư cho dự án sản xuất và tiêu thụ phụ gia, có thể lên tới 70 triệu USD.

Các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến vậy vì tác động, hiệu quả của phụ gia này với kinh tế xã hội, môi trường là vô cùng lớn, không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Việt Nam mà còn giải quyết vấn đề của thế giới. Phụ gia đa năng FNT6VN không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư (gồm sản xuất, phân phối sản phẩm), cho hộ tiêu dùng sản phẩm (tiêu thụ nhiên liệu lỏng), mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội. Thứ nhất, công nghệ và thiết bị mà nhà đầu tư được tiếp cận mang lại giá trị gia tăng rất cao nhờ tính tiên tiến, chứa đựng hàm lượng khoa học cao, tạo ra dòng sản phẩm ưu việt, nổi trội mà hầu như không có sản phẩm cùng chủng loại nào đạt được, với giá thành thấp, tính cạnh tranh cao. Thứ hai, người tiêu dùng được hưởng lợi ích khi tiêu thụ sản phẩm phụ gia tiết kiệm nhiên liệu. Đối với mỗi lít phụ gia FNT6VN, lợi nhuận kinh tế (lãi ròng - sau khi trừ chi phí phụ gia) mang lại là không dưới 200 triệu đồng cho khách hàng sử dụng nhiên liệu xăng/xăng sinh học; không dưới 45 triệu đồng cho khách hàng sử dụng nhiên liệu DO và không dưới 20 triệu đồng cho khách hàng sử dụng nhiên liệu FO. Ở công suất sản xuất phụ gia là 200.000 lít/năm (phụ gia được đưa vào sử dụng đại trà ở qui mô toàn quốc) lợi nhuận ròng thu được từ việc sử dụng phụ gia sẽ là khoảng 23.000 tỷ đồng. Thứ ba, toàn thể xã hội được hưởng lợi ích kinh tế từ chuỗi giá trị sản phẩm phụ gia đa năng mang lại: tạo ra sản phẩm mới nên tăng nguồn thu (thuế) cho ngân sách quốc gia; giảm đáng kể ô nhiễm môi trường nên giảm được các chi phí xử lý hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra; tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch nên gián tiếp góp phần giảm ô nhiễm môi trường từ các hoạt động khai thác dầu thô, tăng quĩ thời gian tới thời kỳ cạn kiệt các nguồn tài nguyên này.

Nghĩa là cơ hội “thu lời” từ sản phẩm này rất lớn?

Chúng tôi không có ý định ký hợp đồng chuyển giao “mua đứt bán đoạn” công nghệ vì thực sự là rất khó đàm phán với “nhà đầu tư” khi mà họ chưa “tận mắt” thấy kết quả thương mại hoá sản phẩm. Chính vì thế, thường thì công nghệ/sản phẩm sẽ được định giá không tương xứng với công sức bỏ ra và không tương xứng với chuỗi giá trị mà nó mang lại. Mặt khác, bản thân chúng tôi, nếu không được đầu tư “tới hạn” cũng không thể đủ tiềm lực để đi đến giai đoạn hoàn thiện sản phẩm/công nghệ và thương mại hoá sản phẩm/công nghệ được. Để “thoát” ra khỏi cái vòng “con gà quả trứng” đó, chúng tôi vận dụng mô hình liên kết với doanh nghiệp trong triển khai dự án sản xuất thử nghiệm, cùng chịu trách nhiệm và chia sẻ lợi nhuận. Sản phẩm phụ gia đa năng tiết kiệm năng lượng cũng như hầu hết các kết quả KHCN khác của PTN đều được phát triển theo mô hình này.

Các doanh nghiệp hợp tác với PTN chắc hẳn có tiềm lực lớn mới dám chịu chi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển một sản phẩm mà khả năng thương mại hóa chỉ ở dạng tiềm năng?

Không như bạn nghĩ là doanh nghiệp lớn đồng hành cùng chúng tôi mà lại chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù đúng là doanh nghiệp lớn có tiềm lực nhưng vấn đề cũng chính ở chỗ đó. Về cơ bản, các doanh nghiệp lớn đã có sẵn công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất ổn định rồi nên chỉ quan tâm cải tiến công nghệ sẵn có, hoặc tạo ra một sản phẩm mới dựa trên cơ sở là hệ thống đã có. Chúng tôi cũng có những hợp đồng với doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam, Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C. Starck,… nhưng thường là để thực hiện các nghiên cứu đổi mới công nghệ theo đặt hàng, giải quyết một vấn đề cụ thể của chính doanh nghiệp đó, tại một thời điểm nhất định.

Trong trường hợp của chúng tôi, chính các doanh nghiệp nhỏ hơn đang loay hoay tìm kiếm hướng đi cho mình có thể sẽ quan tâm đến việc phát triển một công nghệ/sản phẩm mới hoàn toàn. Với những công nghệ/sản phẩm mang tính đổi mới sáng tạo cao, giá trị gia tăng lớn nhưng cũng chứa đựng yếu tố rủi ro, chúng tôi chỉ có thể “rủ rê” được những doanh nghiệp khởi nghiệp vừa và nhỏ đồng hành cùng mình, như Công ty trách nhiệm hữu hạn KHCN và thương mại PI, Công ty Cổ phần DG Technology... Tuy nhiên, hợp tác với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không đơn giản, vì họ cũng còn hạn chế về tiềm lực. Chẳng hạn, để phát triển được sản phẩm phụ gia đa năng FNT6VN, chúng tôi cũng phải kết hợp với mấy doanh nghiệp khác nhau, mỗi doanh nghiệp đảm nhận một phần gồm, kinh phí, khách hàng, thị trường, thử nghiệm hoặc kinh nghiệm phát triển sản phẩm mới.

Việc thực hiện những dự án hợp tác như thế này ở một đơn vị tự chủ như Keylab PTR thì việc thực hiện gặp nhiều thuận lợi?

Vấn đề chính của chúng tôi lại hoàn toàn ngược lại, khá nhiều khó khăn, mà một trong số đó là phải lo kinh phí đầu tư ban đầu, vì thường phải nghiên cứu thăm dò kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào đề xuất và thực hiện nhiệm vụ KHCN. Đề tài nghiên cứu thì có thể còn “được chấp nhận” có rủi ro, còn hầu hết dự án sản xuất thử nghiệm thì phải thành công bởi mình phải thuyết phục doanh nghiệp bỏ 70% vốn đối ứng, có khi lên tới mười mấy tỉ đồng mà không có sự chắc chắn trong tay thì làm sao doanh nghiệp chấp nhận cùng đầu tư? Nếu quá trình hoàn thiện công nghệ và triển khai dự án sản xuất thử nghiệm không đạt kết quả như mong muốn thì PTN vẫn phải tự đầu tư tiếp cho đến lúc có kết quả thành công cho doanh nghiệp thì thôi, vì họ bỏ phần lớn kinh phí ra mà.

Thêm một khó khăn khác là khi kết thúc nhiệm vụ KHCN rồi cũng chưa phải đã gói tròn vành vạnh, cứ thế đưa sản phẩm đi “chào bán” được ngay mà còn phải giải quyết bao nhiêu vấn đề khác nảy sinh, liên quan đến thị trường, tiếp thị - hoàn toàn không phải thế mạnh của PTN chúng tôi. Hơn nữa, mọi hoạt động thương mại hóa đều tốn rất nhiều chi phí và công sức. Ví dụ, để thương mại hóa những công nghệ và sản phẩm mới và tiên tiến, như phụ gia đa năng FNT6VN và rất nhiều sản phẩm/công nghệ khác của Keylab PRT, phải vượt qua vài chục cuộc thử nghiệm khắt khe, tiêu tốn nhiều tỷ đồng. Mặc dù vậy, khi đã tự tin vào công nghệ và sản phẩm của mình, chúng tôi sẵn sàng “gom tiền túi” để thực hiện, thậm chí sẵn sàng mua bảo hiểm trách nhiệm cho sản phẩm, với mức bồi thường thiệt hại lên đến 10 tỉ đồng cho một trường hợp.

Tất cả những vấn đề như thế, chúng tôi phải giải quyết tức thời chứ nếu không thì nhỡ việc của doanh nghiệp.

Nghĩa là khi tự chủ rồi thì vẫn luôn khó khăn?

Chúng tôi luôn phải bỏ tiền túi ra vì không có cơ chế nào cho chúng tôi đi vay ngân hàng cả. Chúng tôi đã gõ cửa gần chục ngân hàng nhưng không nơi nào có cơ chế phù hợp, họ nói “chị mang sổ đỏ đi thì được vay”. Chúng tôi tự chủ, vận hành như một doanh nghiệp nhưng không thể đi vay tiền như một doanh nghiệp.

Tôi nghĩ rằng, tự chủ tài chính là đúng vì nó là động lực cho phát triển nhưng để các đơn vị tự chủ có thể tồn tại thì vẫn còn thiếu một số cơ chế đi kèm khác. Ở đây, tự chủ không phải là để mặc các nhà khoa học tự bươn chải 100% đâu. Thực hiện tự chủ, chúng tôi vừa “vận hành” một đội ngũ khoảng vài chục con người, đào tạo từ cử nhân/kỹ sư vừa ra trường đến giờ gần như toàn tiến sĩ, thạc sĩ, vừa đáp ứng đầy đủ tiêu chí đối với một PTN trọng điểm quốc gia. Công việc rất nhiều, vừa phải bám sát định hướng chiến lược KHCN vừa đôn đáo đi tìm việc ngắn hạn để “nuôi quân”. Tất cả quá trình ấy lại càng thêm nặng nề vì không có vốn. Nếu có vốn thì mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều, được vay ngân hàng với lãi suất 5-7 % dễ thở hơn nhiều so với mười mấy phần trăm, và hơn nữa là có nhà nước đồng hành cùng mình. Còn đây là mình đơn thương độc mã, sơ sểnh là gục luôn, bao nhiêu cố gắng có thể vẫn không đủ để đi đến thành công.

Vậy trong bối cảnh hiện nay, những nhà khoa học như chị sẽ rất vất vả?

Thực ra trên thế giới không có mô hình nào như thế này, nó sẽ chỉ hoặc là nghiên cứu cơ bản hoặc là ứng dụng, triển khai, hoặc nghiên cứu đến giai đoạn triển khai thì doanh nghiệp sẽ chủ động tất cả. Nhưng mình khó đòi hỏi điều đấy ở hệ sinh thái KH&CN Việt Nam. Để công việc của mình không thất bại, thường đích thân tôi phải đi thì mới giải quyết được tất cả các câu hỏi của doanh nghiệp. Không chỉ có vậy, cho đến khi triển khai sản xuất thử nghiệm tôi cũng phải trực tiếp tham gia vì nếu không chú ý đến chỉ một chi tiết nhỏ trong quá trình sản xuất thử nghiệm là không thể xác định được vì sao nó không thành công, chỉ người theo sát mới biết.

Vậy những tháo gỡ về cơ chế mà chị mong đợi là gì?

Ngoài những khó khăn kể trên, chúng tôi vẫn còn đang mất sức cho các thủ tục hành chính. Vì vậy chúng tôi chỉ ước rằng cơ chế tài chính đơn giản hóa hơn nhưng vẫn đủ chặt chẽ để không thất thoát, chẳng hạn như mạnh dạn áp dụng cơ chế khoán toàn phần trong thực hiện nhiệm vụ KHCN (đã có cơ chế nhưng hình như chưa có trường hợp nào tiên phong thực hiện và được cho thực hiện).

Không chỉ vậy, gần đây các nhà khoa học còn phải thực hiện các yêu cầu về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước (Thông tư 02/2020/TT-BKHCN). Tôi chưa hình dung hết được các bước trong quá trình hoàn trả giá trị tài sản là kết quả nhiệm vụ KH&CN do ngân sách nhà nước cấp được giao quyền sở hữu, nhưng tại điểm kết thúc đề tài KHCN, sẽ rất “rủi ro” khi ký cam kết hoàn trả một khoản kinh phí nào đó trong vòng ba năm sau khi kết thúc nhiệm vụ (khoảng thời gian để thương mại hoá kết quả KHCN), bởi nếu quá trình triển khai kết quả KHCN đó thất bại thì sao? Mang gì để trả? Yếu tố rủi ro là bản chất của nghiên cứu KHCN – điều này thì ai cũng thừa nhận.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, chị có hi vọng vào những điều tốt đẹp sẽ tới?

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn tự tin vào năng lực của mình, ví dụ như chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng năm 2021 là năm bản lề để đưa sản phẩm phụ gia FNT6VN ra thị trường trong nước và quốc tế. Hiện tại, nếu cần thiết, chúng tôi có thể sẵn sàng tăng mức bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm lên, từ 10 tỉ đồng cho một trường hợp lên 100 tỉ đồng cho một trường hợp. Chúng tôi tin rằng nếu được tạo điều kiện hơn, đỡ phải loay hoay như vừa rồi thì chắc chắn sẽ còn nhiều kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Chúc chị và PTN một năm mới nhiều thành công!

Chú thích:

(1) Dự án sản xuất thử nghiệm mã số KC05.25/16-20, thông qua hợp đồng số 25.2019-HĐ-DACT-KC.05/16-20.

Trong giai đoạn 2015-2020, Keylab PRT đã công bố 27 công trình khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; Sở hữu 24 bằng độc quyền sở hữu trí tuệ (4 Bằng độc quyền Sáng chế và 20 Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích) được cấp bởi Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, 2 Bằng độc quyền Sáng chế được cấp bởi Cục Thương hiệu và Bản quyền sáng chế Hoa Kỳ; 1 Bằng độc quyền Sáng chế được cấp bởi Cơ quan Sáng chế châu Âu và 1 Bằng độc quyền Sáng chế được cấp bởi Cơ quan Sở hữu trí tuệ Brazil, cùng nhiều đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đã được nộp ở trong nước và quốc tế; đã sáng tạo, phát triển và/hoặc làm chủ nhiều công nghệ đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, tạo ra hàng loạt sản phẩm mới được thương mại hoá thành công.

Thu Quỳnh

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ