Ảnh hưởng của phân chuồng ủ bằng chế phẩm vi sinh mới (VNUA - MiosV) đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng của rau hữu cơ tại Lương Sơn, Hòa Bình
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Ái Nghĩa, Phạm Văn Cường, Nguyễn Thị Minh và Trần Thị Minh Hằng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của hai loại phân bón đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng một số loại rau hữu cơ tại Lương Sơn, Hòa Bình đồng thời xác định được lượng phân bón HC2 phù hợp.
Anh minh họa
Sử dụng phân chuồng ủ là biện pháp canh tác lâu đời trong nông nghiệp truyền thống. Trong nông nghiệp hữu cơ hiện đại, đây cũng là một biện pháp chính để tăng độ màu mỡ của đất và bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng thay thế cho phân bón hóa học. Trong nghiên cứu này, đã sử dụng phân chuồng được ủ bằng chế phẩm vi sinh mới VNUA-MiosV (HC2) với lượng bón 10, 12 và 14 tấn/ha với phân chuồng ủ bằng chế phẩm thông dụng Emuniv (HC1- đối chứng) bón 12 tấn/ha.
Kết quả nghiên cứu trong 3 vụ năm 2018 trên 3 loại rau khác nhau (rau cà chua - vụ xuân hè, rau muống - vụ hè thu và rau bắp cải - vụ đông) cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về sinh trưởng, sinh lý và năng suất giữa công thức bón phân HC2 (CT3) và HC1 (CT1) nhưng bón phân ủ bằng chế phẩm mới làm tăng năng suất cá thể và một số chỉ tiêu chất lượng của rau hữu cơ so với đối chứng. Lượng phân chuồng ủ bằng chế phẩm mới 14 tấn/ha cho thấy có hiệu quả tốt nhất về sinh trưởng, năng suất và chất lượng với tất cả 3 loại rau hữu cơ. Kết hợp số liệu hiệu quả kinh tế công thức bón 12 tấn HC2/ha cho hiệu quả kinh tế cao nhất đối với cây cà chua và công thức bón 14 tấn HC2 là tốt nhất đối với cây rau muống và cải bắp. Nghiên cứu cho thấy chế phẩm mới có thể đã làm tăng chất lượng phân chuồng ủ từ đó góp phần tăng sinh trưởng, năng suất và chất lượng cây trồng đặc biệt trong canh tác hữu cơ.
ctngoc
Tạp chí nông nghiệp Việt Nam, số 22/2020