Thực trạng thái hóa đất vùng Đông Nam bộ
Nghiên cứu do nhóm tác Khương Mạnh Hà – Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, Nguyễn Tuấn Dương , Phạm Thị Trang và Trần Mạnh Công - Trung tâm Điều tra và Quy hoạch đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai thực hiện nhằm mục đích đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân gây thoái hóa đất làm căn cứ đề xuất giải pháp quản lý và sử dụng đất hợp lý, bền vững vùng Đông Nam bộ.
Ảnh minh họa
Thoái hóa đất được xem là sự mất khả năng sản xuất hiện tại hoặc tiềm tàng của đất do tác động của các tác nhân tự nhiên và con người, đó là sự giảm chất lượng hoặc giảm khả năng sản xuất của đất. Các cơ chế của sự thoái hóa đất bao gồm các quá trình vật lý, hóa học và sinh học. Thoái hóa đất trở thành vấn đề có tính chất toàn cầu quan trọng của thế kỷ 21 bởi vì tác động của nó đến khả năng sản xuất nông nghiệp, môi trường, an ninh lương thực và chất lượng cuộc sống.
Vùng đồng bằng Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố là Bình Phước, Bình Dương Đồng Nai, Bà Rịa, Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 23.518 Km2, chiếm 7,13% diện tích của cả nước. Là vùng có tài nguyên đất đa dạng thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng với quy mô lớn, có khả năng thâm canh từng vụ, tăng năng suất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên có một số tác động hạn chế nhất định đến môi trường đất và thoái hóa đất của vùng. Ngoài ra, sự gia tăng dân số nhanh và phát triển kinh tế xã hội gây áp lực rất lớn về nhu cầu sử dụng đất, gia tăng nhu cầu thực phẩm nông nghiệp, kéo theo sự thâm canh tối đa, làm suy giảm độ phì đất, gây thoái hóa đất. Vì vậy, việc đánh giá thực trạng và xác định đúng nguyên nhân gây thoái hóa đất vùng Đông Nam bộ phục vụ công tác quản lý đất đai và đề xuất giải pháp sử dụng đất bền vững là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy vùng Đông Nam bộ có 6 loại hình thoái hóa đất là xói mòn do mưa, khô hạn sa mạc hóa, kết von và đá ong, suy giảm độ phì nhiêu, mặn hóa và phèn hóa. Trong đó diện tích đất bị suy giảm độ phì nhiêu là lớn nhất với 1.282.960 ha, chiếm 67,05% tổng diện tích đất điều tra. Kết quả tổng hợp cho thấy chỉ có 244.360 ha, chiếm 12,77% tổng diện tích điều tra không bị thoái hóa, diện tích đất bị thoái hóa là 1.669.169 ha, tương ứng với 87,23% tổng diện tích điều tra bị thoái hóa, trong đó tỷ lệ diện tích đất bị thoái hóa ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng lần lượt là 26,35%; 37,89% và 22,99% tổng diện tích điều tra. Kết quả đánh giá thực trạng thoái hóa đất là căn cứ quan trọng trong việc đề xuất các giải pháp quản lý và sử dụng đất bền vững, chủ động ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu của vùng.
ctngoc
Tạp chí nông nghiệp Việt Nam, số 22/2020