Những thách thức lớn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Những hạn chế về năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là cơ cấu phối hợp trong lĩnh vực này còn tương đối phức tạp và chồng chéo, bên cạnh đó, năng lực của các tổ chức nghiên cứu còn nhiều hạn chế.
Trong suốt quá trình thực hiện cải cách từ những năm 1990, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để chuyển đổi hệ thống đổi mới sáng tạo và tìm kiếm con đường cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo xu hướng này, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và Khoa học và công nghệ, đặc biệt được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa.
Sau một thập kỷ thực hiện Chiến lược, các chỉ tiêu đầu vào của hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) như số lượng các bài báo khoa học và số bằng sáng chế đã cải thiện. Mặc dù không thể phủ nhận những nỗ lực lớn của các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, tuy nhiên, các chỉ tiêu đầu vào và chỉ tiêu đầu ra liên quan đến hoạt động nghiên cứu và phát triển dường như có tác động rất ít tới cải thiện năng suất và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Đánh giá quá trình thực hiện chiến lược vẫn chưa như kỳ vọng và mục tiêu đặt ra.
Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đã chỉ ra một số hạn chế về năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam (Quốc hội, 2016). Cụ thể:
Khoa học và công nghệ (KH&CN) vẫn chưa thực sự là động lực cải thiện năng suất và năng lực cạnh tranh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Thiếu một giải pháp đủ khả thi để khuyến khích các doanh nghiệp và đầu tư tư nhân vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ.
Cải cách cơ chế quản lý KH&CN - đặc biệt là về tài chính, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và sử dụng nhân tài - tiến triển chậm. Chi tiêu ngân sách phân tán và không hiệu quả.
Năng lực của các nhà khoa học còn hạn chế, thiếu những nhà khoa học hàng đầu; số lượng bằng sáng chế và số lượng tác phẩm được công bố trên các tạp chí quốc tế có danh tiếng bị hạn chế.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lê Hoa, nguyên dẫn đến những hạn chế về năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là cơ cấu phối hợp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn tương đối phức tạp và chồng chéo.
Các chính sách và chương trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phải phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chính sách công nghiệp và chính sách giáo dục, đào tạo đại học. Tuy nhiên, các chương trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa có sự gắn kết với các chương trình liên quan, phân bổ nguồn kinh phí và nguồn nhân lực cho các mục đích và lĩnh vực cụ thể chưa được liên kết một cách có hệ thống.
Ngoài ra, các hoạt động KH&CN tách biệt giữa các Bộ, ngành khác nhau (Công nghiệp, Năng lượng, Quốc phòng, Y tế, Nông nghiệp...) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, điều này có thể cản trở hiệu quả quản lý nguồn lực đối với hoạt động KHCN, ĐMST. Hơn nữa, thiếu hệ thống thông tin và thu thập dữ liệu phù hợp về các hoạt động nghiên cứu, phát triển, các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khu vực nhà nước và khu vực tư nhân làm khó khăn cho công tác hoạch định chính sách và thiết lập môi trường nghiên cứu khoa học dựa trên bằng chứng, dữ liệu khách quan.
Bên cạnh đó, năng lực của các tổ chức nghiên cứu còn nhiều hạn chế. Ở cấp độ tổ chức, các viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu đối mặt thực trạng thiếu nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực, điều này đặt ra những thách thức lớn trong việc thực hiện các kế hoạch và nhiệm vụ được giao từ các Bộ chủ quản và cơ quan giám sát. Đồng thời, môi trường nghiên cứu chưa thực sự thuận lợi, chưa có cơ chế đánh giá hiệu quả dựa trên dữ liệu và số liệu cụ thể dẫn đến hoạt động đầu tư còn kém hiệu quả và chưa đạt yêu cầu.
Hơn nữa, quy mô của các viện nghiên cứu tương đối nhỏ về cả số lượng nhà nghiên cứu và ngân sách để khai thác quy mô kinh tế và triển khai các nghiên cứu liên ngành. Để sáng tạo và đổi mới phát triển hơn, hệ thống quản lý điều hành của các tổ chức nghiên cứu cần xem xét và đánh giá, sau đó thiết kế lại để có hiệu quả tốt hơn.
Các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam cũng đối mặt với một vấn đề đó là chưa trang bị đầy đủ kỹ năng cho sinh viên tốt nghiệp, do chương trình giảng dạy thiếu thực tế, phương pháp giảng dạy truyền thống, thiếu định hướng nghề nghiệp. Kết nối của các trường đại học với các ngành/nghề và doanh nghiệp còn hạn chế. Chỉ có một vài trường đại học dẫn đầu về sự hợp tác với các doanh nghiệp và các cộng đồng khu vực, còn hầu hết các trường vẫn chưa trang bị khả năng liên kết giữa các trường đại học và các ngành/nghề và không có đơn vị chuyên trách tạo điều kiện liên kết trường đại học với các doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Những thách thức trên dẫn tới hạn chế trong khả năng hấp thụ công nghệ từ các quốc gia phát triển và đối mặt với các rào cản lớn trong việc nuôi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo.
Mặc dù phát triển khoa học và công nghệ đã được Đảng và nhà nước chú trọng trong thời gian qua từ nguồn ngân sách đầu tư, đã tạo ra được nhiều thay đổi về nền tảng cho nghiên cứu khoa học như cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ đã được tăng cường, từ vật chất đến nguồn nhân lực, đã có được những đề tài khoa học và sản phẩm công nghệ có giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều năm, các chính sách đổi mới, khoa học và công nghệ của Việt Nam tập trung nhiều cho các nghiên cứu và phát triển và sáng tạo tri thức mà chưa tập trung cho các doanh nghiệp lựa chọn, ứng dụng và hấp thu tri thức.
Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ít sử dụng và cải tiến công nghệ, đổi mới. Các chính sách cũng thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu, dẫn đến các sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế trong thương mại hóa, hoặc thiếu các nghiên cứu ứng dụng, điều này làm hạn chế tiến bộ công nghệ đóng góp vào tăng trưởng năng suất.
VNPI