Số thành phố hạn chế nhiên liệu hóa thạch tăng vọt
Báo cáo hiện trạng toàn cầu về Năng lượng tái tạo ở các thành phố năm 2021, do Mạng lưới REN21 phát hành, cho thấy số thành phố đã thực thi một phần hoặc hoàn toàn lệnh cấm sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng 5 lần trong năm 2020.
Báo cáo chỉ ra, thông thường một trong những bước đi đầu tiên của các nhà lãnh đạo địa phương là mua điện tái tạo để sử dụng cho các hoạt động công của thành phố. Bên cạnh đó, các yếu tố quan trọng khác trong chiến lược khí hậu của một thành phố bao gồm thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo cho nhu cầu sưởi ấm, làm mát cũng như trong giao thông, vận tải. Đây là những lĩnh vực chiếm tỷ trọng phát thải lớn nhất trên toàn cầu, và có thể được giải quyết bắt đầu từ cấp thành phố. Và quan trọng nhất là đặt thời hạn chấm dứt sử dụng nhiên liệu khí đốt, dầu mỏ và than đá.
Theo báo cáo, đến năm 2020, 43 thành phố - cao gấp 5 lần so với năm 2019 - đã đặt thời hạn chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đã thực thi lệnh cấm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động sưởi ấm và/hoặc vận chuyển.
Phần lớn trong danh sách là các thành phố thuộc bang California của Mỹ với các lệnh cấm khí tự nhiên bắt đầu có hiệu lực từ năm ngoái. Ngoài ra còn có Stockholm (Thụy Điển) và Handan, Taiyuan, Xintai (Trung Quốc) đã có lệnh cấm sử dụng than; Paris (Pháp) sẽ cấm sử dụng dầu vào năm 2022; Hamburg (Đức) đang đề xuất cấm sử dụng dầu từ năm nay; và Sydney (Úc) đang đề xuất cấm sử dụng than trong tương lai.
Tổng cộng, một tỷ người - khoảng 1/4 dân số đô thị toàn cầu - sống trong các thành phố có đặt mục tiêu hoặc có chính sách năng lượng tái tạo.
Nhưng tiến trình thay đổi này không dễ dàng. “Thực tế đáng buồn là ở mọi nơi trên thế giới, mỗi khi các thành phố tìm cách đào thải dần nhiên liệu hóa thạch, thì ngành công nghiệp này lại đổ dồn rất nhiều nguồn lực để chống lại tiến trình này. Họ kiện chính quyền địa phương ra tòa hoặc, như đã thấy gần đây ở Mỹ, họ thuyết phục cả các nhà hoạch định chính sách của bang để các thành phố không thể đưa ra quyết định pháp lý gây bất lợi cho họ”, theo Rana Adib, Giám đốc điều hành của REN21.
REN21 là cộng đồng toàn cầu về lĩnh vực năng lượng tái tạo, chuyên cung cấp các dữ kiện, số liệu và phân tích cập nhật và đánh giá về quá trình phát triển toàn cầu trong lĩnh vực công n
ghệ, chính sách và thị trường. Báo cáo hiện trạng toàn cầu về Năng lượng tái tạo ở các thành phố được công bố hằng năm nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở cấp thành phố. Báo cáo năm 2021 do hơn 330 chuyên gia thực hiện và được Ủy ban Cố vấn gồm 20 tổ chức bao gồm các mạng lưới thành phố xác nhận.
Hoàng Nam