Để Việt Nam trở thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo
Theo nhận định của các chuyên gia, việc Việt Nam xây dựng định hướng triển khai kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một hướng đi vô cùng đúng đắn.
TS Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL)
Đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 36/ QĐ/TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ về điểm đặc biệt của kế hoạch trên, TS Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho hay, đây là bản kế hoạch đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt liên quan tới vấn đề năng suất.
Trước đó, tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Thủ tướng đã đề nghị các Bộ KH&CN và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng thể để thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sau đó, Thủ tướng cũng có Chỉ thị giao cho Bộ KH&CN thực hiện nhiệm vụ này.
Bộ KH&CN đã đề xuất với Tổ chức Năng suất châu Á (APO) hỗ trợ Việt Nam một dự án nghiên cứu về vấn đề trên. Cùng với Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) tham gia triển khai dự án này. Sau gần một năm nghiên cứu, Bộ KH&CN cũng đã xây dựng được báo cáo hoạt động thúc đẩy năng suất tại Việt Nam dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Đối với các chuyên gia nghiên cứu của KDI thì đây là một nhiệm vụ rất mới và cũng là thách thức mới đối với họ. Tuy nhiên, qua một năm phối hợp nghiên cứu cùng các bộ, ngành, cơ quan thì chúng ta đã xây dựng được báo cáo. Trên cơ sở của báo cáo này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030. Trong kế hoạch, Thủ tướng đã giao cho Tổng cục TCĐLCL là cơ quan chủ trì để triển khai”, TS Hà Minh Hiệp nói.
Về cách thức triển khai kế hoạch trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh, việc đầu tiên cần làm là hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy các hoạt động năng suất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, dành sự quan tâm tới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là thực hiện chương trình đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng và trường nghề; xây dựng phong trào năng suất tại các tập đoàn, tổng công ty để đóng vai trò dẫn dắt hoạt động năng suất tại Việt Nam.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để thực hiện được mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với các doanh nghiệp FDI nước ngoài.
Kế hoạch tổng thể về nâng cao năng suất được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam có những thay đổi mạnh mẽ trong 10 năm tới. Ảnh minh họa
Hướng đi đúng đắn
Đánh giá về ý nghĩa và những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030, ông Arsyoni Buana - Chuyên viên quản lý dự án cao cấp, Phòng Dịch vụ các nước thành viên APO cho hay, kế hoạch này sẽ giúp Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực trong 10 năm tới.
Theo vị chuyên gia này, về lâu dài, năng suất sẽ bị ảnh hưởng và quyết định bởi đổi mới sáng tạo. Do đó, việc Việt Nam xây dựng một kế hoạch tổng thể về năng suất dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một hướng đi vô cùng đúng đắn, sáng tạo.
“Tôi cho rằng, kế hoạch sẽ giúp mang lại nhiều phúc lợi xã hội và thịnh vượng cho nền kinh tế Việt Nam. Tôi tin rằng trong 10 năm tới Việt Nam sẽ có năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn và có nhiều đổi mới sáng tạo hơn. Hiện tại, Việt Nam cần tập trung triển khai Kế hoạch tổng thể vì như người ta thường nói, việc lập kế hoạch chỉ quyết định 15% thành công và phần còn lại sẽ tùy thuộc vào cách thức mà chúng ta triển khai công việc”- ông Arsyoni Buana nói.
Liên quan tới vấn đề này, ông Seung Hyun Kim- Trưởng nhóm hợp tác toàn cầu, Trung tâm Phát triển quốc tế (Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc - KDI) - cho biết, nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển ngoạn mục, vì vậy cần phải đặt mục tiêu dài hơn và cao hơn. Đồng thời cố gắng xem xét những việc cần làm ngay bây giờ để Việt Nam có thể trở thành một nền kinh tế đổi mới sáng tạo trong tương lai.
Phong Lâm