SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi: xu hướng và triển vọng

[21/06/2021 17:14]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Đặng Thúy Nhung, Nguyễn Thị Xuân, Hán Quang Hạnh, và Vũ Đình Tôn - Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Ảnh minh họa

Việt Nam đang là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với số liệu công bố năm 2019 đạt xấp xỉ 20 triệu tấn. Mặc dù là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của khu vực nhưng Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu và phần lớn phải nhập khẩu ngũ cốc, thức ăn giàu protein, phụ gia lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao đã khiến thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam thời gian gần đây phải điều chỉnh tăng (Nguyễn Huân & Kế Toại, 2020). Chính vì vậy, việc phát triển nguồn thức ăn sẵn có và các nguồn thức ăn mới để thay thế một phần nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhất là nguồn thức ăn giàu protein đang là hướng đi cần thiết và hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai.

Sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi ngày càng phát triển trên thế giới và là một hướng đi có nhiều tiềm năng ở Việt Nam nhằm thay thế nguồn protein động vật và thực vật. Mục tiêu của bài viết này là khái quát và đánh giá đặc điểm sinh học, giá trị dinh dưỡng và tiềm năng sử dụng một số loài côn trùng ăn được làm thức ăn chăn nuôi. Ấu trùng ruồi lính đen, sâu bột, nhộng tằm, châu chấu và dế là những loài được sử dụng phổ biến với nhiều tiềm năng về mặt dinh dưỡng khi hàm lượng protein thô và chất béo thô rất cao, dao động lần lượt là 42,1-63,3 và 8,5-36%, ngoài ra chúng cũng rất giàu lysine và threonine. Bổ sung hoặc thay thế một phần hay hoàn toàn bột cá hoặc bột đậu tương bằng bột côn trùng trong khẩu phần ăn của gia cầm và lợn cho kết quả tương đương hoặc tốt hơn về năng suất cũng như chất lượng thịt. Điểm cần lưu ý trong sử dụng chúng là phải giảm tối đa nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh như: nhiễm khuẩn, độc tố, kim loại nặng,... trong quá trình nuôi, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Cần tiếp tục đánh giá tiềm năng cũng như hiệu quả sử dụng một số loài côn trùng trên các đối tượng vật nuôi khác nhau nhằm phát triển nguồn protein mới, an toàn và giá thành phù hợp.

Côn trùng ăn được rất đa dạng và có nhiều tiềm năng để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Ấu trùng ruồi lính đen, sâu bột, nhộng tằm, châu chấu và dế là những loài được sử dụng phổ biến và có nhiều tiềm năng. Có thể sử dụng những sản phẩm chế biến từ côn trùng để bổ sung hoặc thay thế một phần hoặc hoàn toàn các nguồn nguyên liệu giàu protein truyền thống như bột cá, bột đậu tương trong khẩu phần ăn của gia cầm và lợn mà không ảnh hưởng hoặc cho kết quả tốt hơn về năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Để tăng cường hiệu quả sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi, cần lưu ý giảm tối đa một số nguy cơ liên quan đến an toàn vệ sinh về nhiễm khuẩn, độc tố, kim loại nặng trong quá trình nuôi, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm. Ở nước ta, cần tiếp tục đánh giá tiềm năng cũng như nghiên cứu về quy trình nuôi, chế biến và hiệu quả sử dụng một số loài côn trùng trên các đối tượng vật nuôi khác nhau để đưa ra khuyến cáo phù hợp trong thực tiễn sản xuất, nhằm tạo ra nguồn protein mới, an toàn, giá thành phù hợp phục vụ phát triển chăn nuôi bền vững.

ctngoc

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2021, 19(5): 695-704
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ