Rút ngắn khoảng cách giữa hai lần tiêm chủng?
Vì mũi tiêm chủng đầu tiên hầu như không có nhiều tác dụng đối với biến thể Delta nên các nhà nghiên cứu đang xem xét có thể rút ngắn khoảng cách giữa lần tiêm chủng đầu tiên với lần tiêm chủng thứ hai hay không. Vấn đề đặt ra là có cần tiêm chủng lần thứ ba cho những người cao tuổi và những người có nguy cơ cao không?
Chúng ta biết rằng nếu chỉ tiêm mũi thứ nhất không tạo ra được sự bảo vệ đầy đủ đối với Covid-19. Đặc biệt đối với loại biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, đột biến B.1.617, phải đến mũi tiêm thứ hai mới thực sự phát huy hiệu lực. Do đó giới chuyên môn đang thảo luận có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai lần tiêm chủng hay không.
Thomas Mertens, người đứng đầu Ủy ban tiêm chủng thường trực ở Đức, cho biết cả hai bên đều có những lập luận xác đáng. Tuy nhiên ông cảnh báo tránh quyết định một cách vội vã “Đây không phải là chuyện bình thường” ông trao đổi với tờ SPIEGEL qua điện thoại. “Nếu rút ngắn khoảng cách thời gian giữa hai lần tiêm thì có thể làm giảm hiệu lực của vaccine”.
Ủy ban tiêm chủng Đức đưa ra lời khuyên là cần giữ khoảng cách xa vì hiệu lực của vaccine sẽ lớn. Với vaccine vector của AstraZeneca hiệu lực của vaccine đối với Covid-19 sẽ giảm 80% nếu khoảng cách giữa hai đợt tiêm dài hơn 12 tuần, nếu khoảng cách là sáu tuần thì chỉ giảm 55%, lời khuyên của Stiko là 12 tuần.
Về nguyên tắc, tiêm vaccine lần hai đối với vaccine của AstraZeneca là sau bốn tuần. Hiện nay người được tiêm chủng có thể thỏa thuận với nhân viên y tế về thời hạn tiêm chủng lần thứ hai. Với vaccine mRNA của nhà sản xuất Biontech/Pfizer và Moderna, khoảng cách giữa hai lần tiêm chủng là sáu tuần, về lý thuyết lần thứ hai có thể tiêm chủng sớm hơn: với Biontech sau ba tuần, với Moderna sau bốn tuần. Tại những nước mà biến thể Delta xuất hiện nhiều hơn thì phản ứng của cơ quan y tế là rút ngắn khoảng cách giữa hai lần tiêm chủng. Thí dụ ở Anh, những người trên 50 tuổi và những người có nguy cơ cao khoảng cách giữa hai lần tiêm chủng rút xuống còn tám tuần với vaccine AstraZeneca.
Hiện đang có các cuộc thảo luận tăng cường khả năng bảo vệ chống corona có thể tính đến tiêm lần thứ ba. Các nhà khoa học đang xem xét liệu với người nhiều tuổi và những người có hệ miễn dịch kém có nên tiêm lần thư ba chống Covid-19 vào mùa thu tới hay không. Nhà miễn dịch học Sander thuộc bệnh viên Charite Berlin cho rằng, đến mùa thu thì biến thể Delta sẽ tăng lên. Lúc này, những người cao tuổi đã tiêm đủ hai liều, nay khả năng miễm dịch giảm nên cần tiêm bổ sung mũi thứ ba.
Ông Thomas Mertens tỏ ra thận trọng hơn “Hiện còn thiếu các dữ liệu, người nào và bao giờ cần tiêm chủng bổ sung, do đó nên chờ đợi đến tháng tám để xem khả năng miễn dịch phát triển như thế nào ở nhóm người cao niên và nhiều rủi ro rồi mới nên quyết định tiêm lần thư ba hay không”.
Với những người trẻ tuổi, khỏe mạnh, hiện thấy mũi tiêm thứ ba là không cần thiết. Sander cho rằng. các loại vaccine đều phát huy tác dụng tốt. Đa số người đã tiêm chủng vẫn còn khả năng miễn dịch. Hơn nữa xét về mặt đạo lý, cũng không nên tiêm rộng rãi lần thứ ba khi nhiều nơi trên thế giới nhiều người chưa được tiêm chủng lần nào vì thiếu vaccine. Vả lại về y học, tiêm lần thứ ba cũng là không cần thiết đối với mọi người vì vaccine mRNA sau khi tiêm lần hai có phản ứng khá mạnh, nhiều người kêu bị sốt, đau các khớp vv..
Mặt khác, với vaccine vector, khi tiêm mũi thứ ba có khả năng sự hiệu nghiệm sẽ bị giảm sút. Vì cơ thể đã phát triển sự miễn dịch chống virus vector, nếu thay bằng một loại thuốc khác thì sẽ làm tình hình phức tạp thêm.
Xuân Hoài lược dịch