Đa dạng hình thái của tập đoàn ngô tẻ địa phương thu thập tại tỉnh Lai Châu và Điện Biên
Nghiên cứu do nhóm tác giả Vũ Đăng Toàn, Vũ Đăng Tường - Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Tài nguyên thực vật và Vũ Thị Thu Hiền - Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Ảnh minh họa
Cây ngô (Zea mays L.) là cây lương thực quan trọng thứ hai sau cây lúa và là cây màu quan trọng nhất được trồng ở tất cả các vùng sinh thái của Việt Nam (Bộ NN&PTNT, 2011), với diện tích 1,099 triệu ha, năng suất 4,67 tấn/ha và sản lượng đạt 5,13 triệu tấn. Năng suất ngô trung bình của Việt Nam chỉ đạt 4,67 tấn/ha, tương đương khoảng 80% so với năng suất ngô trung bình của thế giới (5,87 tấn/ha) (USDA, 2019). Trong nông nghiệp truyền thống, các giống địa phương là nguyên liệu thực vật được sử dụng chủ yếu và các giống có đặc tính tăng trưởng tốt nhất, năng suất được lựa chọn kỹ lưỡng trong quá trình nhân giống. Nghiên cứu về đặc điểm hình thái của nhiều loại cây trồng, như ngô địa phương, là nguồn vật liệu vô cùng quý giá cho chương trình chọn tạo giống ngô. Đánh giá, lai tạo và chọn lọc vật liệu chống chịu từ các vật liệu ngô địa phương sẽ tạo ra nền di truyền đa dạng trong công tác chọn tạo giống ngô ưu thế lai ứng phó với điều kiện bất thuận (Hà Tấn Thụ & cs., 2016).
Nghiên cứu 30 mẫu ngô tẻ địa phương thu thập tại Lai Châu và Điện Biên được ký hiệu từ N1 đến N30 với N1 và N18 - N30 thu thập tại Lai Châu; N2 - N17 thu thập tại Điện Biên. Thí nghiệm đánh giá và mô tả đặc điểm nông sinh học của 30 mẫu giống ngô địa phương thu thập tại tỉnh Lai Châu và Điện Biên được trồng trong vụ Thu Đông 2019 tại Trung tâm Tài nguyên thực vật - An Khánh - Hoài Đức - Hà Nội. Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp khảo sát tập đoàn, không nhắc lại. Quy trình kỹ thuật và chăm sóc được thực hiện theo “Kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc” theo QCVN01-56-2011/BNNPTNT. Thời gian sinh trưởng: theo dõi ngày gieo đến ngày: Ngày tung phấn: khi có 75% số cây tung phấn; Ngày phun râu: khi có 75% số cây phun râu; Ngày chín sinh lý; khi chân hạt có chấm đen ở 100% số bắp. Các đặc điểm hình thái cây: Chiều cao cây (m), chiều cao đóng bắp (m), chiều dài lá (cm), chiều rộng lá (cm), hình thái bông cờ, hình thái hạt. - Các yếu tố cấu thành năng suất bao gồm: Số hàng hạt, số hạt trên hàng, khối lượng 1.000 hạt (g), năng suất lý thuyết. Số liệu được nhập vào chương trình Excel và xử lý số liệu thông kê trên phần mềm Excel 2016 (Microsoft Corp). Ma trận tương đồng di truyền được phân tích bằng phần mềm NTSYS-pc v.2.2 (Rholf, 1996). Sơ đồ hình cây biểu diễn mối quan hệ di truyền giữa các nguồn gen ngô được xây dựng dựa trên 30 chỉ tiêu nông sinh học và bằng phương pháp phân nhóm UPGMA (Unweighted Pair-Group Method with Arithmetical Averages).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đặc điểm hình thái nông sinh học của các mẫu giống ngô địa phương thu thập tại các tỉnh Lai Châu và Điện Biên, có thể thấy, 24 mẫu giống trong số (86,7%) mẫu giống ngô địa phương thu thập có thời gian sinh trưởng trên 120 ngày. Chiều cao cây dao động trong khoảng từ 161,2-277cm, tỉ lệ chiều cao đóng bắp/chiều cao cây trong khoảng từ 35-51%. Dạng hạt của các mẫu giống từ đá, bán đá, bán răng ngựa, răng ngựa. Chiều dài bắp trong khoảng từ 12,7-17,5cm, đường kính bắp dao động trong khoảng từ 2,87-4,93, số hàng hạt/bắp dao động từ 9,2-13,2 và số hạt trên hàng dao động trong khoảng từ 13,4-34,8. Hệ số tương đồng của các mẫu giống trong khoảng từ 0,19-0,43 và được phân làm hai nhóm chính, nhóm 1 bao gồm 6 mẫu giống, nhóm 2 bao gồm 24 mẫu giống còn lại. Tập đoàn ngô tẻ địa phương thu thập tại hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên có độ đa dạng cao.
ctngoc
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2021, 19(8): 997-1005