So sánh hiệu quả kỹ thuật nuôi tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) vụ đông trong ao mở ngoài trời và hệ thống trong nhà tại tỉnh Nam Định
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Hữu Vinh, Lê Thị Cẩm Vân, Đoàn Thị Nhinh, Trần Thị Trinh, Trương Đình Hoài, Kim Văn Vạn, Phạm Thị Lam Hồng, Lê Việt Dũng - Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đặng Thị Hóa - Công ty VMC Việt Nam, Đỗ Hoàng Hiệp - Trung tâm Giống thủy hải sản Nam Định thực hiện.
Ảnh minh họa
Nam Định là một trong những tỉnh ở miền Bắc có tiềm năng phát triển thâm canh hóa nuôi tôm chân trắng. Theo thống kê đến năm 2017, diện tích nuôi của Nam Định hơn 810ha, sản lượng đạt khoảng 2.654 tấn với năng suất bình quân 3-4 tấn/ha/năm (Sở NN&PTNT, 2018). Đây là các vùng có cơ sở hạ tầng cơ sở tốt và áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất. Một số cơ sở áp dụng công nghệ kỹ thuật mới đã mang lại năng suất cao 35 tấn/ha/vụ. Mục tiêu tới năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 4.175ha với sản lượng 9.700 tấn, trong khi đến năm 2030 diện tích giảm còn 3.680ha nhưng sản lượng 11.250 tấn. Xu hướng trong thời gian tới về diện tích nuôi là không tăng và có nguy cơ giảm do nhiều diện tích đất đã được quy hoạch để sử dụng với mục đích khác (UBND Nam Định, 2018). Việc ứng dụng công nghệ nuôi tôm thẻ trong nhà sẽ góp phần giải quyết các nguy cơ hiện tại, giúp tăng năng suất và tính bền vững, đáp ứng định hướng không tăng diện tích nuôi mà sản lượng tăng.
Thiết kế hệ thống ISPS được thực hiện theo nguyên lý được mô tả trong Wider và Nohara (2017). Tất cả các trang thiết bi, hệ thống vận hành đi kèm sử dụng trong nghiên cứu được nghiên cứu chế tạo, lắp đặt tại Việt Nam. Thí nghiệm được thực hiện ở trang trại nuôi tôm tại Nam Định với 04 ao liền nhau (dài ´ rộng ´ sâu, 25 ´ 20 ´ 2m). Tôm nuôi theo công nghệ ISPS được thử nghiệm trong 2 ao có mái che. Vật liệu phủ gồm 2 lớp bạt dệt PE ngăn mưa từ đỉnh phủ đến sát mặt dầm bê tông, bụi và giữ nhiệt cho mùa đông có khả năng cắt 30% ánh sáng. Tôm nuôi theo công nghệ vi sinh được triển khai ở 2 ao ngoài trời (2 ao đối chứng). Hai ao đối chứng được trang bị sục khí và quạt nước giống như hai ao ISPS (gồm 1 máy thổi khí 3HP/2 ao và 2 quạt 1,5 kW/ao). Hai ao có mái che được trang bị hệ thống lọc tuần hoàn và hệ thống cung cấp oxy (Sansolver, Sanso, Nhật Bản). Hệ thống lọc tuần hoàn gồm 1 bể hàu, 1 bể lọc lưới (Sakae), 1 bể lọc vi sinh và 1 hệ thống điện hóa siêu âm (Jetek, Huetronics). Bể hàu có thể tích 1m3 và chứa 200kg hàu. Bể lọc lưới (3m3 ) có kích cỡ mắt lưới 50µm và bộ tự động xịt rửa để loại bỏ cặn. Bể lọc vi sinh 3m3 chứa giá thể lọc kadness. Hệ thống điện hóa siêu âm có thể tích 400l với công suất bơm 60 m3 /h, cường độ điện hóa 8,9V và cường độ siêu âm 1.200W. Hệ thống nâng oxy gồm máy trộn khí và bình oxy. Quản lý thức ăn, tôm chân trắng PL35 được chuyển từ bể ương xuống các ao thí nghiệm vào đầu tháng 12/2020 và được nuôi tiếp trong 77 ngày, tương đương ngày nuôi 112 tính từ PL12. Mật độ tôm nuôi trong 4 ao là 400 con/m3 . Tôm được cho ăn thức ăn Grobest No.2, No.2M, No.2ML, No.2L, No.3 và No.4 (Protein thô: 39-40%; Chất béo tổng số 5-7%; Lysine tổng số min 1,7%; Methionine + Cystine tổng số min 0,9%) theo từng giai đoạn phát trển. Quản lý chất lượng nước, Chế độ thay nước trong 2 ao nuôi ngoài trời là 5-20%/ngày và trong 2 ao nuôi ISPS là 2-5%/ngày theo kích cỡ tôm, tôm càng to thì tỉ lệ thay nước càng lớn. Oxy trong ao ngoài trời và ao ISPS được duy trì ở mức tương ứng 5 và 7ppm. Các chỉ tiêu độ mặn, nhiệt độ và oxy hòa tan được đo hàng ngày và chỉ tiêu pH được đo 2 lần/ngày bằng máy đo các yếu tố môi trường đa năng Aqua TROLL 500 (In-situ, Mỹ). Chỉ tiêu tổng ammonia (TAN) và NO2 được đo 3 ngày/lần bằng kit Sera. Quản lý sức khỏe tôm bao gồm các bước theo dõi sức khỏe và sinh trưởng tôm; Định lượng vi khuẩn Vibrio tổng số và V. parahaemolyticus trong gan tụy tôm; Định danh V. parahaemolyticus. Phân tích số liệu, dữ liệu quan trắc từng yếu tố môi trường trong thời gian dõi thí nghiệm được tổng hợp ở dạng giá trị trung bình theo ngày cho từng ao nuôi. Tốc độ sinh trưởng tuyệt đối của tôm (ADR; g/ngày) = (Khối lượng tôm ở thời điểm ngày nuôi 112 - Khối lượng tôm ban đầu)/Số ngày nuôi. Tốc độ sinh trưởng tương đối của tôm (SGR; %/ngày) = (ln(Khối lượng tôm ở thời điểm ngày nuôi 112) - ln(Khối lượng tôm ban đầu))/Số ngày nuôi × 100%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng suất nuôi tôm của công nghệ ISPS lần đầu được thử nghiệm tại Việt Nam ở quy mô ao 500m2 cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ này vào thực tiễn sản xuất. Năng suất ước tính vào ngày nuôi thứ 112 từ PL12 ở các ao ISPS (51 tấn/ha) cao hơn ở các ao đối chứng (39 tấn/ha). Mặc dù năng suất này chưa bằng kết quả thử nghiệm tại Nhật nhưng cơ sở vật chất và thiết bị đều được xây dựng và chế tạo trong nước. Một số ưu điểm có thể thấy của công nghệ ISPS là khả năng kiểm soát môi trường, mật độ vi khuẩn và mật độ tảo tốt hơn so với nuôi ao ngoài trời.
ctngoc
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2021, 19(8): 1006-1018