Lượng đường trong máu cao 'lập trình lại' các tế bào gốc
Theo nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Tim mạch Anh được công bố trên tạp chí Circulation, lượng glucose cao trong máu sẽ “tái lập trình” các tế bào gốc, dẫn đến việc gia tăng lâu dài nguy cơ phát triển chứng xơ vữa động mạch nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford phát hiện ra rằng lượng đường trong máu cao, một dấu hiệu của bệnh tiểu đường, làm thay đổi các tế bào gốc trong tủy xương trở thành tế bào bạch cầu được gọi là đại thực bào. Kết quả là các đại thực bào này bị viêm và góp phần vào sự phát triển của các mảng xơ vữa động mạch có thể gây ra các cơn đau tim.
Phát hiện này giải thích tại sao những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị đau tim cao hơn, ngay cả sau khi mức đường huyết của họ được kiểm soát trở lại, một nghịch lý đã gây khó khăn cho các bác sĩ trong nhiều năm.
Gần 5 triệu người ở Anh mắc bệnh tiểu đường và người lớn mắc bệnh này có nguy cơ bị đau tim cao gấp đôi. Những phát hiện này mở ra khả năng mới cho các phương pháp điều trị có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tuần hoàn ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Các nhà nghiên cứu cũng chiết xuất tế bào gốc từ tủy xương của chuột bị và không mắc bệnh tiểu đường và cấy chúng vào những con chuột có mức đường huyết bình thường. Tủy xương được lấy từ những con chuột bị tiểu đường 'ghi nhớ' việc nó tiếp xúc với lượng glucose cao và kết quả là những con chuột nhận được tủy xương này đã phát triển gần như gấp đôi số lượng mảng xơ vữa động mạch.
Khi nhóm nghiên cứu xem xét chi tiết hơn các đại thực bào của chuột, họ phát hiện ra rằng những đại thực bào phát triển từ tế bào gốc trong tủy xương của những con chuột mắc bệnh tiểu đường đã bị biến đổi vĩnh viễn để trở nên dễ viêm hơn.
Nhóm nghiên cứu hiện muốn khám phá những con đường mới cho các phương pháp điều trị dựa trên phát hiện này. Họ cũng muốn tìm hiểu xem liệu lượng đường trong máu tăng trong thời gian ngắn ở những người không mắc bệnh tiểu đường có gây tác hại này hay không.
ctngoc