Phân tích yếu tố trình độ lao động và đào tạo nguồn lực ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Thị Minh Loan, Nguyễn Thị Tươi, Hồ Thị Thu Hòa, Lê Như Bích - Khoa Nông lâm - Trường Đại học Đà Lạt và Đào Thị Hiếu - Khoa Xã hội học và Công tác xã hội - Trường Đại học Đà Lạt thực hiện.
Ảnh minh họa
Lao động là một mặt của nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, là một phần quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Lao động và chất lượng nguồn lao động là nền tảng cho sự phát triển của kinh tế-xã hội, bên cạnh đó phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Lâm Đồng là tỉnh nam Tây Nguyên có diện tích 9.764,79 km2 , có độ cao trung bình khoảng 800 - 1000 m, địa hình tương đối phức tạp. Khí hậu Lâm Đồng tương đối ôn hòa, bị ảnh hưởng và thay đổi theo độ cao, có 2 mùa rõ rệt. Lượng mưa trung bình 1.750 - 3.150 mm/năm, độ ẩm tương đối trung bình cả năm 85 - 87%, số giờ nắng trung bình cả năm 1.890 - 2.500 giờ, thuận lợi phát triển nông nghiệp đặc biệt thích hợp cho các loại cây trồng khác nhau bao gồm các loại rau hoa ôn đới, các loại cây đặc sản ôn đới, dược liệu, cây ăn quả và cây công nghiệp, thích hợp cho ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như trồng cây trong nhà che phủ, trồng cây trên môi trường không đất, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến và tiết kiệm nhằm tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh hại và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Nghiên cứu này nhằm phân tích đánh giá ảnh hưởng của yếu tố về trình độ lao động và đào tạo nguồn lực đến sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2004 - 2018 dựa trên các số liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo, thống kê và số liệu sơ cấp được phỏng vấn trực tiếp 1.600 hộ sản xuất nông nghiệp và 51 chuyên gia am hiểu về nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Kết quả cho thấy, tỉ lệ lao động trên 15 tuổi biết chữ khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn; tỉ lệ lao động nam biết chữ cao hơn so với nữ. Kết quả khảo sát cho thấy, có trên 70% người sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng có trình độ từ trung học cơ sở trở lên. Đối với người sản xuất nông nghiệp, việc đào tạo được thực hiện thông qua các tổ chức chính phủ, liên kết hợp tác xã, hội nghị, hội thảo và có đến 58,8% số hộ sản xuất nông nghiệp tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn này. Nội dung các khóa đào tạo chủ yếu tập trung về kỹ thuật trồng trọt (89,1%) và trên 75% số hộ tham gia tập huấn cho rằng các khóa tập huấn cập nhật được kiến thức về sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2020, có đến 67,44% số hộ sản xuất có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp bằng phương pháp tưới hiện đại như tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt. Những người sản xuất nông nghiệp có trình độ càng cao và tham gia nhiều các khóa tập huấn thì ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp càng nhiều.
ctngoc
Tạp chí KH& CN NN Việt Nam, số 3 (124)/ 2021