Môi trường tiết kiệm cho nuôi cấy vi tảo Dunaliella salina quy mô pilot ở Việt Nam
Dunaliella salina là một loại tảo lục đơn bào thuộc họ Chlorophyceae, được biết với khả năng tích lũy hàm lượng lớn carotenoid trong các điều kiện nuôi cấy ức chế. Tảo này có thể mang lại ba sản phẩm có giá trị lớn là glycerol, β-carotene và protein cao.
Ảnh minh họa
Việt Nam là nước nhiệt đới có tiềm năng biển rất lớn với bờ biển dài hơn 3200 km và các vùng ruộng muối nổi tiếng như Sa Huỳnh, Đề Gi, Ninh Diêm, Cam Ranh, Long Điền, Cần Giờ. Việc tận dụng nguồn nước biển và ruộng muối phục vụ cho nuôi cấy D. salina vô cùng hữu ích. Môi trường MD4 1,5M NaCl do Tran và cộng sự (2013) xây dựng phải sử dụng nguồn muối (NaCl) (Tran et al., 2013) nên ảnh hưởng đến chi phí và hiệu quả khi thực hiện nuôi cấy D. salina ở quy mô pilot. Vì vậy, nhóm tác giả Võ Hồng Trung, Nguyễn Lương Anh Tuấn, Nguyễn Thị Hồng Phúc (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) thực hiện nghiên cứu này nhằm xây dựng môi trường sử dụng nguồn nước ruộng muối và nước biển để đạt hiệu quả sinh khối và tiết kiệm chi phí trong nuôi cấy D. salina ở Việt Nam.
Bốn chủng D. salina N, O, J và CCAP 19/18 được sử dụng để khảo sát môi trường nuôi cấy MD4, RM1 và RM2 dựa trên sự tăng trưởng, hàm lượng sắc tố quang hợp diệp lục tố và carotenoid. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mật độ tế bào và tốc độ tăng trưởng của các chủng D. salina đạt giá trị cao khi nuôi cấy trên môi trường sử dụng nước ruộng muối RM1 và RM2. Hàm lượng diệp lục tố và carotenoid của các chủng D. salina được tổng hợp với hàm lượng cao nhất khi được nuôi cấy trong môi trường RM2. Như vậy, môi trường RM2 kết hợp giữa nước ruộng muối và nước biển giúp tảo tăng trưởng nhanh, ổn định và tiết kiệm phù hợp nuôi cấy D. salina quy mô pilot ở Việt Nam.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 18, Số 6 (2021): 1006-1015.
pcmy
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM (pcmy)