Đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa của cao chiết nghệ trắng
Ở Việt Nam, Nghệ trắng (Curcuma aromatica Salisb) – còn được gọi là Ngải trắng – có đến 27 loài được tìm thấy nhiều ở Lâm Đồng, Quảng Bình, Tây Bắc và Đắk Lắk.
Ảnh minh họa
Củ Nghệ trắng có vị cay, đắng, tính hàn được ứng dụng vào thực tiễn với các mục đích khác nhau như làm gia vị, lá nghệ xắt nhuyễn có thể khử mùi tanh, tăng hương vị, kích thích vị giác hoặc dùng làm thuốc. Theo y học dân gian, nghệ trắng kết hợp với mật ong được dùng như một vị thuốc để chữa bệnh đau dạ dày, dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm gan mãn tính, ho gà, tê thấp, sưng tấy và trị rắn cắn; dùng ngoài chữa bong gân, sai khớp, thông thường phối hợp với các vị thuốc khác. Mặt khác, Nghệ trắng chứa nhiều thành phần giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư do tác dụng tiêu diệt và loại bỏ các khối u, các chất này còn có tác dụng giúp cơ thể loại bỏ các chất béo dư thừa trong máu, làm giảm ngưng kết tiểu cầu ngăn ngừa bệnh tim mạch, huyết áp (Sikha et al., 2015).
Các nghiên cứu trên nghệ vàng và nghệ đen ở nước ta rất phổ biến, tuy nhiên nghiên cứu về hoạt tính sinh học của Nghệ trắng còn rất ít đặc biệt là hoạt tính kháng oxi hóa của Nghệ trắng vẫn chưa được công bố trong nước. Do đó, tác giả Bùi Thị Kim Lý (Viện Phát triển Ứng dụng, Trường Đại học Thủ Dầu Một) cùng các cộng sự đã tập trung nghiên cứu hoạt tính kháng oxi hóa của Nghệ trắng bằng các phương pháp đánh giá bắt gốc tự do DPPH, ABTS và khả năng khử sắt.
Kết quả cho thấy trong cao chiết methanol của Nghệ trắng có sự hiện diện của nhiều hợp chất như saponin, glycoside, tím, đường khử. Hàm lượng polyphenols trong cao chiết Nghệ trắng đo được là 60,79 ± 3,239 (mgGAE/g) và flavonoids là 135,9 ± 4,766 (mgRE/g). Hoạt tính kháng oxi hóa của cao chiết Nghệ trắng được đánh giá thông qua phương pháp DPPH với IC50 là 129 ± 4,816 µg/ml và thông qua phương pháp ABTS với IC50 là 25,29 ± 1,855 (µg/ml). Ngoài ra kết quả ghi nhận qua phương pháp PFRAP đánh giá năng lực khử sắt cho thấy năng lực khử sắt của cao chiết Nghệ trắng rất yếu.
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 18, Số 6 (2021): 1028-1040.
pcmy
Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM (pcmy)