Nghiên cứu tình hình tăng acid uric huyết thanh và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân cao tuổi có tăng huyết áp nguyên phát tại bệnh viện đa khoa Trung Ương Cần Thơ 2020-2021
Nghiên cứu do đồng tác giả Nguyễn Văn Đủ - Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Ngô Văn Truyền - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện.
Ảnh minh họa
Acid uric huyết thanh gia tăng có mối liên quan đến nguy cơ tim mạch, trong đó có nguy cơ tiến triển tăng huyết áp.
Nghiên cứu nhằm mục xác định tỷ lệ tăng acid uric huyết thanh và nồng độ acid uric trung bình ở bệnh nhân cao tuổi có tăng huyết áp nguyên phát và các yếu tố liên quan.
Nghiên cứu cắt ngang mô tả thực hiện trên 143 bệnh nhân cao tuổi tăng huyết áp (THA) nguyên phát tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ từ 05/2020-02/2021.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân cao tuổi tăng huyết áp nguyên phát có tình trạng tăng acid uric huyết thanh là 42%, với nồng độ trung bình là 538,5±132,6µmol/L. Trong đó, bệnh nhân có mức tăng nhẹ chiếm 26,6% và tăng giới hạn cao là 15,4%. Tỷ lệ tăng acid uric huyết thanh nhiều hơn ở nam giới so với nữ (OR=1,4, p=0,28), nhóm trên 80 tuổi (OR=1,49, p=0,37), hút thuốc lá và uống rượu (OR=2,1, p=0,13). Tương tự, tình trạng tăng acid uric huyết thanh cũng cao hơn ở nhóm bệnh nhân có các vấn đề liên quan đến hội chứng chuyển hóa (bao gồm thừa cân, béo bụng, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp độ III) với OR>1 và p>0,05. Tình trạng tăng acid uric huyết thanh ở bệnh nhân cao tuổi THA nguyên phát khá phổ biến (42%), với nồng độ acid uric huyết thanh trung bình là 538,5±132,6µmol/L. Tình trạng tăng acid uric huyết thanh không có mối liên quan đến giới tính, độ tuổi, tình trạng bệnh THA, tiền sử bản thân (hút thuốc lá, uống rượu) và rối loạn mỡ máu.
ctngoc
Tạp chí Y dược Cần Thơ, số 36/2021