Khảo sát tổn thương niêm mạc miệng và lưu lượng nước bọt trên bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp tại bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ
Nghiên cứu do nhóm tác giả Đỗ Thị Thảo, Đoàn Thị Kim Châu, Bùi Thị Huyền Diệu, Châu Hồng Diễm, Huỳnh Lê Nghĩa Hiệp, Vũ Thị Thanh Nga, Nguyễn Huỳnh Minh Ngọc, Nguyễn Trọng Tính - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện.
Ảnh minh họa
Đái tháo đường và tăng huyết áp là những bệnh phổ biến trong những năm gần đây. Nhiều tổn thương niêm mạc miệng và lưu lượng nước bọt giảm thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu mô tả các tổn thương niêm mạc miệng và xác định lưu lượng trung bình nước bọt ở bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca ở 37 bệnh nhân đái tháo đường, 68 bệnh nhân tăng huyết áp và 77 bệnh nhân đái tháo đường kèm tăng huyết áp đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, thời gian từ tháng 1/2019 đến 12/2019. Thông tin thu thập gồm tuổi, giới tính, thời gian mắc bệnh đái tháo đường, đường huyết lúc đói, thời gian mắc bệnh tăng huyết áp, huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương. Các tổn thương niêm mạc miệng, lưu lượng nước bọt toàn phần không kích thích.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nữ nhiều hơn nam. Tuổi trung bình là 60,31±9,064 năm. Thời gian mắc bệnh đái tháo đường trung bình là 3,58±4,00 năm, tăng huyết áp trung bình là 5,00±4,03 năm. Khô miệng, viêm nướu, viêm miệng do hàm giả, lưỡi nứt nẻ là các tổn thương phổ biến. Bệnh nhân tăng huyết áp và tăng huyết áp kèm đái tháo đường có tỉ lệ viêm nướu tăng hơn bệnh nhân đái tháo đường (p=0,048). Bệnh nhân đái tháo đường có lưu lượng nước bọt <0,1mL cao hơn nhóm tăng huyết áp và tăng huyết áp kèm đái tháo đường, tỉ lệ 29,7% so với 19,1%, 18,2%. Khô miệng, viêm nướu, viêm miệng do hàm giả, lưỡi nứt nẻ là các tổn thương phổ biến ở bệnh nhân tăng huyết áp và/hoặc đái tháo đường. Có sự giảm nước bọt ở bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường.
ctngoc
Tạp chí Y dược Cần Thơ, số 36/2021