SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn chuyển hóa đạm từ bùn đáy ao nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)

[25/09/2021 07:37]

Nghiên cứu do các tác giả Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Hùng Hải, Huỳnh Trường Giang và Vũ Ngọc Út - Bộ môn Thủy sinh học ứng dụng, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm góp phần trong công tác nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm sinh học ứng dụng trong thủy sản bằng cách tìm ra những dòng vi khuẩn bản địa và để tiến tới một nền thủy sản bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người nuôi.

Những năm qua, nghề nuôi tôm ở nước ta phát triển rất mạnh không những về qui mô mà còn ở sự đa dạng hóa các mô hình nuôi. Trong năm 2019, diện tích nuôi là 720.000 ha, đạt sản lượng 750.000 tấn trong đó tôm sú là 270.000 tấn, tôm thẻ chân trắng là 480.000 tấn với các mô hình nuôi khác nhau. Khi diện tích nuôi ngày càng mở rộng thì người nuôi gặp phải nhiều trở ngại mới, đó là ô nhiễm môi trường và dịch bệnh bởi lượng thức ăn dư thừa, lượng chất thải từ tôm,… tích tụ xuống đáy ao lâu ngày gây ô nhiễm, trong đó các hợp chất chứa nitơ như NH4 + , NO2 - với hàm lượng cao có thể gây độc cho tôm, cá.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 75.994 ha với tổng sản lượng đạt 305.774 tấn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2017). Hàm lượng ammonia ở mức 0,425 mg/L trong môi trường nước có thể gây độc cho cá và các động vật thủy sinh khác (Siripong and Rittmann, 2007). Ammonia gây độc trực tiếp đến hệ hô hấp của cá và tôm, gây mất cân bằng về mặt lý sinh, giảm sức đề kháng và dẫn đến tôm cá bị chết. Hàm lượng nitrite vượt quá 0,3 mg/L sẽ ức chế sự vận chuyển oxy trong máu, gây độc rất lớn cho vật nuôi. Nitrate là sản phẩm tiếp theo của quá trình oxy hóa nitrite, với hàm lượng vượt quá 10 mg/L gây nên sự phú dưỡng, ảnh hưởng lớn đến môi trường thủy sản (Boyd, 1989).

Do đó, việc tìm ra giải pháp xử lý môi trường ao nuôi thủy sản hiện nay là rất cần thiết. Theo Đặng Đình Kim và ctv. (2006), khi bổ sung chế phẩm sinh học vào ao nuôi, các chỉ tiêu lý, hóa, sinh được cải thiện rõ. Vì vậy, xu hướng sử dụng các vi sinh vật hữu ích cho ao nuôi thủy sản càng tăng. Hiện nay, rất nhiều chế phẩm sinh học đã xuất hiện trên thị trường với thành phần chủ yếu là các dòng vi khuẩn thuộc các chi Bacillus, Pseudomonas, Lactobacillus, Nitrosomonas, Nitrobacter, … các dòng này có khả năng phân giải protein thành các polypeptide, amino acid, NH3 (Tăng Thị Chính và Đặng Đình Kim, 2007). Tuy nhiên, chất lượng các chế phẩm sinh học chưa ổn định nên chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu sử dụng của ngành tôm. Để góp phần trong công tác nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm sinh học ứng dụng trong thủy sản bằng cách tìm ra những dòng vi khuẩn bản địa và để tiến tới một nền thủy sản bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người nuôi, đề tài “Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn chuyển hóa đạm từ bùn đáy ao nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)” được thực hiện.

Địa điểm thu mẫu tại 2 tỉnh là Cà Mau (huyện Cái nước, Ngọc Hiển và Thới Bình) và Trà Vinh (Huyện Duyên Hải). Phương pháp thu mẫu nền đáy bằng hệ thống ống PVC đã được tiệt trùng bằng dung dịch cồn 70% dựa theo Somsiri et al. (2006). Tại mỗi ao, mẫu bùn được thu ở 3 vị trí: đầu ao, giữa ao và cuối ao theo một đường chéo. Ở mỗi vị trí thu khoảng 100 g bùn. Mẫu được giữ lạnh bằng nước đá và chuyển về phòng thí nghiệm trong vòng 3 - 5 giờ, sau đó mẫu được bảo quản ở 4 oC và xử lý trong vòng 2 giờ. Các thông tin như tên ao, ngày tháng và thời gian thu mẫu được ghi đầy đủ trên nhãn và dán trên chai thu mẫu.

Qua thời gian thực hiện, kết quả cho thấy từ 121 chủng vi khuẩn đã được phân lập và tuyển chọn được 2 chủng vi khuẩn chuyển hóa đạm tiềm năng làm cơ sở cho nghiên cứu ứng dụng tạo chế phẩm vi sinh gồm TB7.2 tương ứng với hiệu suất oxy hóa ammonia cao nhất 39,02% và hàm lượng NO2 - sinh ra là 0,11 mg/L. Chủng TV4.2 có khả năng oxy hóa nitrite đạt hiệu suất 27,8% với hàm lượng nitrate sinh ra nhiều nhất, đạt 7,8 mg/L sau 5 ngày nghiên cứu.

nthang

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 4B (2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài