SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu hình thái hạt phấn của họ Nhài (Oleaceae Hoffmanns. & Link) ở Việt Nam

[25/09/2021 09:18]

Nghiên cứu do tác giả Bùi Hồng Quang - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện nhằm mục tiêu sử dụng kính hiển vi điện tử quét và kính hiển vi quang học để nghiên cứu hình thái hạt phấn các loài thuộc họ Nhài (Oleaceae) ở Việt Nam.

Họ Nhài (Oleaceae Hoffmanns. & Link) có khoảng 25 chi với hơn 600 loài, phân bố ở hầu hết các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới.  Các đặc điểm hình thái hạt phấn liên quan đến độ mở, hình dạng lỗ thoát, tầng ngoài hạt phấn, kích thước hạt phấn và hình dạng hạt phấn đã được sử dụng làm “dấu hiệu cổ sinh” trong nghiên cứu các mối quan hệ hệ thống và phát sinh loài thực vật hạt kín ở tất cả các cấp độ phân loại. Hạt phấn của họ Nhài Oleaceae nói chung là hạt phấn có dạng hình cầu hơi dài ở vị trí xích đạo với một lớp ngoài dạng lưới.

Ở Việt Nam, họ nhài hiện có 78 loài, 8 phân loài và 1 thứ, nhiều loài có giá trị kinh tế và khoa học.  Những năm gần đây còn có một số ghi nhận mới về họ Nhài, đưa tổng số loài lên tới 80. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu chủ yếu chuyên sâu về hình thái học, hệ thống học và bảo tồn, chưa có các nghiên cứu về hạt phấn. Do đó, nghiên cứu này sử dụng kính hiển vi điện tử quét và kính hiển vi quang học để nghiên cứu hình thái hạt phấn các loài thuộc họ Nhài (Oleaceae) ở Việt Nam.

Nguyên liệu hạt phấn được lấy từ hoa các mẫu vật thu thập trên thực địa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng thực vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Hạt phấn của 23 loài thuộc họ Nhài (Oleaceae) đã được phân tích, trong đó 16 loài thuộc chi Jaminum L., 2 loài thuộc chi Fraxinus, 2 loài thuộc chi Ligustrum, 1 loài thuộc chi Olea, 1 loài thuộc chi Osmanthusvà 1 loài thuộc chi Chengiodendron

Hạt  phấn  được  chuẩn  bị  bằng  phương  pháp  phân  ly acetolysis tiêu chuẩn, để quét phân tích bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM) và kính hiển vi quang học (LM), qua đó các phép đo khác nhau được thực hiện về đường kính trung bình (μm), đường kính cực (P), đường kính xích đạo (E) và tỷ lệ giữa phép đo cực và xích đạo (P/E). Đối với hạt phấn không cực, chỉ đo được đường kính. Đối với các phân tích SEM, các hạt phấn hoa trước đó đã được aceton phân hủy trong cồn tăng dần (50%, 70%, 80%, 90% và 100% etanol). Chế phẩm có chứa các hạt phấn được nhỏ trực tiếp lên các lam kính, sau khi khô hoàn toàn sẽ được phủ một lớp vàng trong điều kiện chân không cao, để phân tích sau đó.

Nghiên cứu sử dụng kính hiển vi điện tử quét và kính hiển vi quang học để nghiên cứu hạt phấn các loài thuộc họ Nhài (Oleaceae) phân bố ở Việt Nam, bao gồm 23 loài thuộc 6 chi. Hạt phấn các loài thuộc họ Nhài ở Việt Nam thuộc loại đẳng cực, đối xứng tia, 3 rãnh, kích thước nhỏ, với 2 loại hình dạng là dạng hơi dài (Jasminum và Olea) và dạng hình cầu dài (Jasminum, Fraxinus, Ligustrum, Osmanthus và Chengiodendron). Bề mặt hạt phấn của đa số các loài là dạng mạng lưới. Đây là các đặc điểm hình thái quan trọng để phân loại họ Nhài qua hình thái hạt phấn.

nthang

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam Tập 63 - Số 8 - Tháng 8/2021 (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ