Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn chuyển hóa nitrite từ bùn đáy của vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên
Nghiên cứu do các tác giả Trương Phước Thiên Hoàng, Đỗ Huỳnh Dân, Võ Trần Quốc Thắng, Nguyễn Phú Hòa - Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn vi khuẩn chuyển hóa nitrite từ bùn đáy của vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên.
Trong những năm gần đây, ngành nuôi thủy sản lồng bè (trong đó có nuôi tôm hùm) ở nhiều địa phương đang phải đối mặt với những khó khăn có thể dẫn đến nguy cơ thất bại. Nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi, dịch bệnh và hệ thống sinh thái bị phá hủy. Đặc biệt, ở các đầm phá/vịnh có hoạt động nuôi trồng thủy sản, nước lưu thông không thông thoáng vào một số thời điểm trong năm. Ngoài ra, các đầm/vịnh không được nạo vét nên phân của sinh vật nuôi, thức ăn thừa, xác động vật thủy sinh, xác rong, tảo, các loại hóa chất sử dụng trong quá trình nuôi, các loại vi khuẩn gây bệnh tích tụ ở đáy làm cho nước và bùn đáy trong đầm/vịnh có khuynh hướng ô nhiễm.
Các chất hữu cơ tích tụ lại ở đáy đầm/vịnh bị phân hủy kị khí sinh ra các sản phẩm như: NH3, H2S, NO2-, NO3-... gây hại cho tôm cá và các sinh vật khác sống trong đầm/vịnh. Khi đầm/vịnh có hoạt động nuôi thủy sản bị ô nhiễm sẽ dẫn đến những nhóm vi sinh vật có hại có cơ hội phát triển mạnh, không kiểm soát được và hậu quả là vật nuôi bị bệnh. Nitrate là sản phẩm tiếp theo của quá trình oxy hóa NO2- trong chu trình chuyển hóa nitơ, khi hàm lượng NO2- vượt quá 10 mg/l sẽ gây nên sự phú dưỡng, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản (Boyd, 1998). Đã có những nghiên cứu vi khuẩn chuyển hóa nitơ từ bùn đáy ao nuôi tôm thẻ, sú trong nước cũng như trên thế giới và tạo ra những sản phẩm sinh học hữu ích cho ao nuôi thủy sản, tuy nhiên việc tuyển chọn nhóm vi khuẩn chuyển hóa NO2- từ bùn đáy ở vùng nuôi tôm nước mặn hầu như rất ít được nghiên cứu. Xu hướng hiện nay là triển khai các mô hình nuôi tôm hùm trong bể xi măng nhằm kiểm soát được nguồn nước cũng như các dư lượng thuốc sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, việc nghiên cứu xác định các loài vi sinh vật chuyển hóa NO2- trong bùn đáy vùng nuôi tôm hùm là hết sức cần thiết, nhằm ứng dụng để sản xuất các chế sinh học cho xử lý nước trong bể nuôi tôm hùm.
Mẫu bùn được thu từ đáy của khu vực 11 lồng nuôi tôm hùm Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên từ tháng 8/2016 đến tháng 7/2017 với độ mặn của nước biển dao động từ 29-35‰, định kỳ 1 tháng/ 1 lần. Các mẫu thu gồm 6 mẫu từ lồng treo ký hiệu lần lượt là T1, T2, T3, T4, T5 và TKT là lồng treo không có nuôi tôm hùm; 5 mẫu từ lồng chìm ký hiệu lần lượt là C1, C2, C3, C4 và CKT là lồng chìm không có nuôi tôm hùm. Ở mỗi vị trí dưới lồng thu khoảng 100 g bùn được giữ lạnh bằng đá và chuyển về phòng thí nghiệm bảo quản ở 4oC.
Từ 21 mẫu bùn lấy từ khu vực 11 lồng bè nuôi tôm hùm đã phân lập được 16 chủng vi khuẩn có khả năng chuyển hóa nitrite. Sau khi tiến hành khảo sát đặc điểm sinh học và khả năng chuyển hóa nitrite của các chủng vi khuẩn, thu được 10 chủng có khả năng chuyển hóa nitrite trên 95% trong thời gian là 72 giờ, 10 chủng vi khuẩn có hiệu suất xử lý NO2- cao nhất được định danh sinh hóa bằng kit API 20E, API 20NE và phương pháp giải trình tự gen vùng 16S RNA, tra cứu trên BLAST SEARCH đã xác định được 5 loài là Stenotrophomonas pavanii, Chryseobacterium gleum, Stenotrophomonas maltophilia, Delftia lacustris, Acinetobacter junii.
(nthang)
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Tập 63 - Số 9 - Tháng 9/2021 (nthang)