SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tình trạng di căn của ung thư tuyến giáp thể nang

[28/09/2021 09:31]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Xuân Hậu, Nguyễn Thị Phương Anh- Trường Đại học Y Hà Nội, tác giả Lê Văn Quảng - Bệnh viện K thực hiện nhằm đánh giá đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tình trạng di căn trong ung thư tuyến giáp (UTTG) thể nang tại Bệnh viện K.

UTTG thể nang là thể thường gặp thứ 2 trong nhóm UTTG biệt hóa (sau UTTG thể nhú). So với thể nhú, UTTG thể nang thường gặp ở nhóm tuổi lớn hơn, tỷ lệ di căn hạch thấp hơn thể nhú và di căn xa có thể là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) ít có vai trò trong chẩn đoán UTTG thể nang vì rất khó để phân biệt giữa u tuyến thể nang và ung thư thể nang. Chẩn đoán xác định cần bằng chứng về xâm lấn mạch máu và/hoặc xâm lấn vỏ trên mô bệnh học. Hiện nay, điều trị UTTG thể nang gần tương tự như UTTG thể nhú với phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất. Điều trị I-131 sau đó được chỉ định cho từng trường hợp cụ thể, dựa vào giai đoạn bệnh, tình trạng di căn hạch và di căn xa. Hiểu biết rõ hơn những đặc điểm bệnh học của UTTG thể nang sẽ có giá trị trong chẩn đoán bệnh sớm và có thái độ điều trị thích hợp. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về UTTG thể nang, tuy nhiên tại Việt Nam chưa được thực hiện nhiều. Do đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm đánh giá đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tình trạng di căn của UTTG thể nang tại Bệnh viện K.

Thiết kế kết hợp hồi cứu và tiến cứu trên 48 bệnh nhân chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang được phẫu thuật tại Bệnh viện K từ tháng 1/2016 đến tháng 7/2020. Kết quả nghiên cứu 48 bệnh nhân chẩn đoán UTTG cho thấy, tỷ lệ nữ/nam là 4,3/1, độ tuổi trung bình là 44±16,1, chủ yếu ở nhóm tuổi <55 (72,9%). Lý do vào viện thăm khám của người bệnh chủ yếu là tình cờ phát hiện u giáp qua khám sức khỏe (50%) và 16,7% có triệu chứng biểu hiện tại cơ quan di căn xa. U đa số gặp ở một thùy tuyến giáp, thường là u đơn độc, kích thước u trung bình là 21,7±12 mm, chủ yếu được đánh giá TIRADS 4. Chọc hút tế bào kim nhỏ có ít vai trò trong chẩn đoán UTTG thể nang, tỷ lệ kết quả FNA không xác định gần 50%, FNA lành tính chiếm hơn 30%. Di căn xa gặp ở 18,8% bệnh nhân, xương và phổi là hai cơ quan thường gặp nhất. Tỷ lệ di căn hạch cổ là 31,3%, cao hơn ở bệnh nhân ung thư cả hai thùy tuyến giáp.

(nthang)

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Tập 63 - Số 9 - Tháng 9/2021 (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ