SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ước tính các thông số di truyền của tính trạng kháng bệnh gan thận mủ của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) ở giai đoạn cá hương

[29/09/2021 14:59]

Nghiên cứu: “Ước tính các thông số di truyền của tính trạng kháng bệnh gan thận mủ của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) ở giai đoạn cá hương do nhóm tác giả: Trần Thị Phương Dung - Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thanh Vũ , Võ Hồng Phượng, Nguyễn Văn Sáng- Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II nghiên cứu thực hiện.

Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là một trong những loài cá da trơn nước ngọt có giá trị kinh tế cao được nuôi phổ biến ở ĐBSCL (Phan và ctv., 2009). Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra đến 127 quốc gia trên thế giới đạt 1,9 tỉ USD, tăng 1,18 lần so với năm 2018. Năng suất đạt được có thể lên đến 300 - 400 tấn/ha ao nuôi, góp phần vào sản lượng thu hoạch hàng năm tăng lên đáng kể (Phạm Thị Kim Oanh và ctv., 2011). Tại Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 200 trại cá tra đáp ứng nhu cầu cá bột và khoảng 4.000 hộ ương cá giống. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ cá tra đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do giá cả bấp bênh, thị trường xuất khẩu không ổn định, khí hậu thay đổi và việc thâm canh hóa với mật độ nuôi cao đã làm cho bệnh trên cá xảy ra thường xuyên hơn dẫn đến sự phát triển nghề nuôi thiếu bền vững (Dung và ctv., 2008; Le và Cheong, 2010). Cho đến nay, 3 loài vi khuẩn gây bệnh trên cá tra nuôi thâm canh ở các tỉnh ĐBSCL đã được xác định, đó là vi khuẩn E. ictaluri gây bệnh gan thận mủ, vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh xuất huyết và vi khuẩn Flavobacterium columnare gây bệnh trắng đuôi

Đây là những bệnh thường hay xuất hiện và gây nhiều thiệt hại trong quá trình nuôi cá tra. Bệnh gan thận mủ nằm trong danh mục kiểm dịch động vật thủy sản theo quyết định số 110/2008/ QĐ-BNN cho cá da trơn và cá tra. Trong một vụ nuôi, bệnh có thể xuất hiện từ 3 - 4 lần, đặc biệt là ở giai đoạn cá hương và giống gây thiệt hại rất lớn, tỉ lệ hao hụt cao lên đến 70 - 80% nếu không được chữa trị kịp thời. Hiện nay, người nuôi sử dụng nhiều loại kháng sinh khác nhau nhưng hiệu quả điều trị thấp. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả nghề nuôi, làm giảm chất lượng sản phẩm và tiềm ẩn nguy cơ như sự kháng thuốc ở vi khuẩn (Dung và ctv., 2010, Nam và ctv., 2010), dư lượng hóa chất và kháng sinh trong sản phẩm. Vì vậy, việc nghiên cứu chọn giống cá tra sẽ tạo ra con giống có khả năng kháng bệnh tự nhiên kết hợp với tiêm vaccine sẽ góp phần thúc đẩy nghề nuôi thủy sản bền vững và hiệu quả hơn về kinh tế cũng như môi trường. Cho đến nay, các thông số di truyền trên cá tra về kháng vi khuẩn Edwardsiella ictaluri giai đoạn cá hương vẫn chưa được báo cáo. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là: (a) ước tính các thông số di truyền của tính trạng kháng bệnh gan thận mủ trên cá tra hương và (b) tìm mối tương quan di truyền trên cá tra giai đoạn cá hương và cá giống nhằm định hướng việc chọn lọc tính trạng kháng bệnh trên nhiều giai đoạn sống của cá.

Hệ số di truyền (h2 ) về tỉ lệ sống và thời gian sống qua các giai đoạn cảm nhiễm trên cá hương ở mức cao (0,43 - 0,55). Tương quan di truyền giữa tính trạng tỉ lệ sống ở các thời điểm khác nhau trong quá trình cảm nhiễm theo mô hình tuyến tính cho thí nghiệm giai đoạn cá hương và cá giống từ -0,18 đến 0,26. Mối tương quan về tỉ lệ sống giai đoạn cá chết 50% giữa cá hương và cá giống là thời điểm giúp chọn lọc các gia đình kháng bệnh cao và thấp ở cá hai giai đoạn chính xác. Việc cải thiện về di truyền trong chọn giống cá tra hiện nay trên giai đoạn cá hương là khả thi nhằm góp phần nâng cao được tỉ lệ sống của cá giai đoạn cá hương. Tuy nhiên, cần kết hợp chọn lọc ở giai đoạn cá giống để chọn lọc khả năng kháng bệnh trên nhiều giai đoạn sống của cá mang lại hiệu quả hơn. Tương quan di truyền giữa các tính trạng tỉ lệ sống và thời gian sống trong quá trình cảm nhiễm trên cá hương với cá giống cần thực hiện trên nhiều gia đình để có kết quả chính xác hơn trong việc lựa chọn các gia đình kháng bệnh cao và thấp ở hai giai đoạn. Tiếp tục chọn giống theo nhiều thế hệ để có các thông số di truyền của tính trạng kháng bệnh gan thận mủ trên cá tra hương chính xác hơn.

ntdinh

vienthuysan2.org.vn - Số 12/2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài