SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của các loài tảo khác nhau đến tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của ấu trùng hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas)

[29/09/2021 15:40]

Nghiên cứu: “Ảnh hưởng của các loài tảo khác nhau đến tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của ấu trùng hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas)” do nhóm tác giả: Trần Thị Thúy, Cao Trường Giang, Vũ Văn Sáng, Đặng Thị Lụa - Viện Nghiện cứu Nuôi trồng Thủy sản I thực hiện.

Hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas, Thunberg, 1793) là một loài thủy sản bản địa của Nhật Bản nhưng đã được di nhập và phát triển nuôi thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Úc, Hàn Quốc và Việt Nam. Do hàu Thái Bình Dương có nhiều ưu việt như tốc độ sinh trưởng nhanh đạt kích cỡ thương phẩm sau 8-10 tháng nuôi và có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện độ mặn rộng từ 10-35‰ nên hàu Thái Bình Dương đã được lựa chọn và phát triển nuôi thành công ở các tỉnh ven biển của nước ta như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Khánh Hòa, Phú Yên, Vũng Tàu, Kiên Giang (Cao Trường Giang, 2010). So với các loài hàu bản địa đang được nuôi ở Việt Nam, hàu Thái Bình Dương có những ưu việt hơn như: kích thước và khối lượng cơ thể lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ thịt cao chiếm tới 25% (Cao Trường Giang và cs., 2007). Hơn nữa, thịt hàu thơm ngon, đa dạng trong chế biến, có giá trị lớn trong y dược và có hàm lượng dinh dưỡng cao với 15-75% protein, 7-11% lipid, 9-38% gluxit, các chất khoáng, vitamin và các chất bổ dưỡng khác (FAO, 2003) nên hàu rất được ưu chuộng ở thị trường trong và ngoài nước. Nuôi hàu đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi và quy mô nuôi đơn giản do đó hàu được xem là đối tượng nuôi lý tưởng ở các vùng ven biển (Cao Trường Giang & Lê Xân, 2011). Hiện nay, diện tích nuôi hàu Thái Bình Dương tăng nhanh từ 1.325 ha năm 2010 đến 2.550 ha năm 2019, tương ứng với sự tăng nhanh về sản lượng nuôi từ 5.400 tấn năm 2010 tới 12.800 tấn năm 2019 (Trần Công Khôi, 2020). Với sự phát triển nhanh của nghề nuôi hàu thì nhu cầu con giống đáp ứng đủ số lượng và chất lượng là rất cần thiết. Tuy nhiên, con giống được sản xuất ở trong nước hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm và chủ yếu được nhập từ Trung Quốc (Báo Quảng Ninh, 2018). Sử dụng con giống thông qua con đường tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều mối nguy về chất lượng con giống và lây lan dịch bệnh tới nghề nuôi hàu ở nước ta. Do đó, việc chủ động sản xuất con giống ở trong nước không chỉ phát triển nghề nuôi hàu nhanh, ổn định mà còn hạ giá thành sản phẩm. Một trong những khó khăn nhất đối với sản xuất giống hàu Thái Bình Dương là việc lựa chọn thức ăn phù hợp đối với ương ấu trùng để đạt tỷ lệ sống, tỷ lệ bám và sinh trưởng tốt nhất. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng kết hợp của các loài tảo khác nhau làm thức ăn tới sinh trưởng, tỷ lệ sống của ấu trùng hàu từ giai đoạn chữ D tới giai đoạn bám. Việc sử dụng thích hợp các loài tảo làm thức ăn đối với quá trình ương ấu trùng hàu sẽ làm tăng tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của ấu trùng do việc bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết giữa các loài tảo tới quá trình hấp thu của ấu trùng (Cao Trường Giang, 2010). Nhận thấy tầm quan trọng của thức ăn (vi tảo) tới quá trình ương ấu trùng, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các loài tảo khác nhau đến tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của ấu trùng hàu Thái Bình Dương

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc kết hợp các loài tảo khác nhau đến tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của ấu trùng hàu Thái Bình Dương sau 18 ngày ương. Thí nghiệm được đánh giá với 04 nghiệm thức thức ăn khác nhau trong bể nhựa có thể tích 500L, bao gồm (i) Thalassiosira pseudonana, Isochrysis galbana và Chaetoceros calcitrans; (ii) Nannochloropsis oculata, I. galbana và C. calcitrans; (iii) N. oculata, Chaetoceros muelleri và T. pseudonana; (iv) N. oculata, C. muelleri và Chaetoceros calcitrans. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần, tỷ lệ thức ăn được sử dụng cho mỗi nghiệm thức thí nghiệm là 1:1:1 theo thể tích.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sống của ấu trùng hàu sau 18 ngày ương từ ấu trùng chữ D tới giai đoạn xuất hiện chân bò ở nghiệm thức 2 đạt cao nhất 26,55 ± 0,60%, tiếp đến là nghiệm thức 1 và 3 lần lượt là 20,68 ± 1,70% và 19,65 ± 1,30%, thấp nhất ở nghiệm thức 4 với 13,61 ± 1,20%. Tương tự, tốc độ tăng trưởng chiều dài và chiều cao ở nghiệm thức 2 cũng cho kết quả cao nhất lần lượt là 13,87 ± 0,11 và 17,92 ± 0,29 µm/ngày, trong khi đó nghiệm thức 1 và 3 tốc độ sinh trưởng tương đương nhau (P >0,05); nghiệm thức 4 cho tăng trưởng về chiều dài và chiều cao thấp nhất (10,11 ± 0,27 và 14,92 ± 0,14 µm/ngày, P >0,05).

ntdinh

vienthuysan2.org.vn - Số 18/2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ