Thử nghiệm và đánh giá các phương pháp thu hoạch sinh khối vi tảo Thalassiosira weissflogii (Grunow Fryxell Hasle 1977) phục vụ sản xuất giống hải sản
Nghiên cứu: “Thử nghiệm và đánh giá các phương pháp thu hoạch sinh khối vi tảo Thalassiosira weissflogii (Grunow Fryxell Hasle 1977) phục vụ sản xuất giống hải sản” do nhóm tác giả: Hồ Hồng Nhung, Trần Văn Nhiên , Nguyễn Thị Mai Anh , Nguyễn Hữu Thanh - Viện Nghiện cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.
Ảnh minh họa
Vi tảo Thalassiosira weissflogii là loài có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là chứa hàm lượng các acid béo không no như EPA, DHA cao hơn so với các loài tảo khác (Pratoomyot và ctv., 2005). Với ưu điểm như kích thước tế bào nhỏ, dễ tiêu hóa nên loài tảo này đã được sử dụng làm thức ăn trong ương nuôi ấu trùng tôm, ấu trùng nhuyễn thể, artemia… T. weissflogii còn là một trong những nguồn thức ăn tốt nhất cho ấu trùng tôm mà không cần kết hợp với các loài tảo khác (Heimaiswarya và ctv., 2011). Theo Kiametha và ctv. (2011), khi sử dụng vi tảo T. weissflogii trong ương ấu trùng tôm sú (Penaeus monodon) cho thấy thời gian biến thái ngắn, khả năng sinh trưởng tốt và tỷ lệ sống cao. Vì thế, việc bổ sung loài tảo này vào khẩu phần ăn trong ương nuôi ấu trùng tôm thẻ và ấu trùng nhuyễn thể là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng con giống. Trong sản xuất giống thủy sản, các loài vi tảo luôn được nuôi ở thể tích lớn và sản phẩm tảo cần được lưu trữ trong thời gian dài để đáp ứng kịp thời nhu cầu thức ăn cho con giống. Vì vậy, ngoài công nghệ nuôi sinh khối cũng cần có phương pháp thu hoạch thích hợp để đạt hiệu quả thu hoạch với tỷ lệ tế bào sống cao; mà không làm thay đổi các đặc tính sinh học, hàm lượng dinh dưỡng của vi tảo; cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trữ và bảo quản sản phẩm tảo thu hoạch được tốt nhất. Việc thu sinh khối cũng có ý nghĩa thiết thực hơn khi tạo ra
sản phẩm tảo cô đặc thay thế cho vi tảo tươi, hạn chế việc đưa trực tiếp hóa chất (môi trường dinh dưỡng còn sót lại trong dịch tảo tươi) và vi khuẩn vào bể nuôi gây ảnh hưởng không tốt đến ấu trùng
Nghiên cứu được thực hiện nhằm thử nghiệm và đánh giá các phương pháp thu hoạch để thu sinh khối, tạo sản phẩm tảo cô đặc của vi tảo Thalassiosira weissflogii, ứng dụng làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản. Sinh khối tảo được nuôi ở quy mô pilot (thể tích 1 m3 ) và được thu hoạch bằng các phương pháp kết bông sử dụng hóa chất hữu cơ và ly tâm. Kết quả cho thấy, phương pháp ly tâm (ở tốc độ 3000 rpm) cho hiệu suất thu hồi cao nhất (97 ±1,7%) với tỷ lệ sống tế bào đạt 99,2 ±0,8%. Ở các thí nghiệm kết bông, nồng độ Chitosan và Magnafloc LT25 thích hợp để đạt hiệu suất thu hồi cao hơn 90%, lần lượt là 20 mg/L và 0,10%. Tuy nhiên, khi thử nghiệm tách kết bông thì tỷ lệ tế bào tách khối rất thấp, chỉ đạt 12-13% (ở nghiệm thức kết bông bằng Chitosan) và 26% (ở nghiệm thức kết bông bằng Magnafloc LT25). Bên cạnh đó, sản phẩm tảo cô đặc thu bằng phương pháp kết bông thường có kích thước hạt lớn, tế bào rất khó phân tách trở lại thành tế bào riêng lẻ nên không phù hợp để làm thức ăn trong ương nuôi một số đối tượng thủy sản. Trái lại, đối với phương pháp ly tâm mặc dù chi phí đầu tư và chi phí vận hành cao nhưng hiệu quả thu hoạch rất cao, không cần bổ sung hóa chất nên có thể áp dụng để thu sinh khối vi tảo Thalassiosira weisflogii. Sản phẩm sau ly tâm có mật độ tế bào rất cao, tế bào dễ dàng tách rời, thích hợp làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản.
ntdinh
https://vienthuysan2.org.vn -Số 12/2020