Sự hiện diện của bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và vi bào tử trùng trên tôm giống và tôm nuôi nước lợ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Nghiên cứu: “Sự hiện diện của bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và vi bào tử trùng trên tôm giống và tôm nuôi nước lợ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long” do nhóm tác giả: Lê Hồng Phước, Nguyễn Hồng Lộc - Viện Nghiện cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.
Anh minh họa
Từ năm 2010, người nuôi tôm ở Việt Nam gặp phải dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (Acute Hepatopancreatic Necrosis DiseaseAHPND) gây chết hàng loạt tôm nuôi thương phẩm. Đến tháng 05/2013 tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính được xác định là Vibrio parahaemolyticus. Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính đã gây thiệt hại nghiêm trọng trong nuôi tôm ở một số quốc gia, với tổn thất toàn cầu trên 1 tỷ USD mỗi năm. Bệnh thường xảy ra khoảng 8 ngày sau khi thả nuôi, bệnh phát triển một cách nhanh chóng và gây chết nghiêm trọng trong vòng 20-30 ngày sau khi thả nuôi (Han và ctv., 2015). Dấu hiệu lâm sàng của tôm bệnh như bao ruột rỗng hoặc bị đứt đoạn, mềm vỏ, gan tụy nhạt màu, sưng hoặc teo nhỏ, có nhiều điểm đen. Các giải pháp tổng hợp được áp dụng để phòng trị bệnh bao gồm con giống tốt, cải tạo ao kỹ, quản lý chất lượng nước, sử dụng chế phẩm vi sinh và tăng sức đề kháng. Đáng kể nhất là việc sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn để phòng trị bệnh nhưng không theo hướng dẫn cụ thể hay tuân thủ theo các quy định. Chính vì vậy hiệu quả mang lại chưa ổn định và dễ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như kháng kháng sinh hay dư lượng. Bệnh đốm trắng được phát hiện và gây thiệt lại lớn trên tôm nuôi ở Trung Quốc năm 1992 sau đó lây lan sang các Nam Mỹ và Châu Á. Từ năm 1995 đến nay hầu như năm nào bệnh đốm trắng cũng có xuất hiện trên tôm nuôi ở nước ta. Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu tìm giải pháp phòng bệnh đốm trắng nhưng hiện nay vẫn chưa có một giải pháp cụ thể cho bệnh này ngoài các biện pháp tổng hợp như an toàn sinh học, chọn con giống tốt và tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.
Nghiên cứu được thực hiện trên 600 mẫu tôm giống thu tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Bạc Liêu và 120 mẫu tôm nuôi nuớc lợ được thu tại các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2020 để kiểm tra các mầm bệnh nguy hiểm gồm WSSV, Vibrio parahaemolyticus và EHP bằng phương pháp PCR. Trên tôm giống tỷ lệ nhiễm WSSV, Vibrio parahaemolyticus gây AHPND và EHP lần lượt là 2,0; 3,6 và 4,8% trong mùa khô và 1,4; 2,6 và 7,2% trong mùa mưa. Đối với tôm nuôi thương phẩm, tỷ lệ nhiễm các mầm bệnh này là 13,5; 21,2 và 23,1% trong mùa khô và 17,7; 11,8 và 25,0% trong mùa mưa. Tỷ lệ nhiễm Vibrio parahaemolyticus trên tôm giống trong năm 2020 là 3,0%, thấp hơn so với năm 2019 (4,0%). Tương tự Vibrio parahaemolyticus, tỷ lệ nhiễm WSSV trên tôm giống trong năm 2020 thấp hơn năm 2019 (1,67% trong năm 2020 so với 1,88% trong năm 2019). Tỷ lệ nhiễm EHP trên tôm giống năm 2020 cũng thấp hơn so với năm 2019 (6,5% trong năm 2020 so với 7,88% trong năm 2019).
Đối với tôm giống tỷ lệ nhiễm WSSV, Vibrio parahaemolyticus gây AHPND và EHP trong năm 2020 lần lượt là 1,67; 3,0 và 6,5% trong đó không có sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ nhiễm theo mùa. Đối với tôm thương phẩm tỷ lệ nhiễm WSSV, V. parahaemolyticus gây AHPND và EHP trong năm 2020 lần lượt là 15,83; 15,83 và 24,17% trong đó tỷ lệ nhiễm WSSV và EHP trong mùa mưa cao hơn trong khi tỷ lệ nhiễm AHPND trong mùa mưa lại thấp hơn.
ntdinh
Tạp chí nghề cá sông cửu long - số 18/2020