SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Điều chỉnh quy trình SEMI-NESTED RT-PCR chẩn đoán TILAPIA LAKE VIRUS (TiLV) và bước đầu phân lập TiLV từ cá rô phi

[30/09/2021 14:52]

Nghiên cứu: “Điều chỉnh quy trình SEMI-NESTED RT-PCR chẩn đoán TILAPIA LAKE VIRUS (TiLV) và bước đầu phân lập TiLV từ cá rô phi” do nhóm tác giả: Ngô Huỳnh Phương Thảo, Trần Hạnh Triết , Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Lê Thị Thu Thảo - Trung tâm Công nghệ sinh học Tp. Hồ Chí Minh; Nguyễn Hoàng Chi Mai - Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Lê Hoàng Thế Huy - Đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện.

Tilapia Lake virus (TiLV) được tìm thấy lần đầu tiên trên cá rô phi nuôi vào năm 2014 tại Israel (Eyngor et al., 2014a). Đây là loại virus RNA mạch đơn, sợi âm, có vỏ bọc và chứa 10 đoạn trình tự mã hóa cho 14 protein (Bacharach et al., 2016; Eyngor et al., 2014a; Surachetpong et al., 2017), với kích thước từ 55 đến 100 nm (DelPozo et al., 2017; Eyngor et al., 2014a; Ferguson et al., 2014; Surachetpong et al., 2017; Acharya et al., 2019). Trước đây, TiLV được đề xuất thuộc họ Orthomyxoviridae do sự tương đồng với các cấu trúc gen ở Orthomyxoviruses. Tuy nhiên, sau này TiLV được xếp vào một họ mới, Amnoonviridae, thuộc cùng bộ Articulavirales với Orthomyxoviridae (ICTV, 2020). Tỷ lệ chết trong các ổ dịch tự nhiên từ 09-90%; bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống (01-03 tháng tuổi). Cá rô phi đỏ (cá điêu hồng) giống nuôi lồng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ chết có thể lên tới 90% trong vòng một tháng sau thả. Bệnh lây lan theo chiều ngang từ cá bệnh sang cá khoẻ trong cùng ao nuôi, trại nuôi, qua nguồn nước, dụng cụ …

Tại Việt Nam, cá rô phi được kỳ vọng là đối tượng nuôi và xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Tuy nhiên, việc nuôi thâm canh cá rô phi đang gặp phải trở ngại khá lớn đó là dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều và lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Từ năm 2015, Việt Nam có nhập khẩu cá rô phi về làm giống hoặc thực phẩm từ một số nước có công bố dịch bệnh do TiLV (Thái Lan, Đài Loan, Israel, Philippin) hoặc nước nguy cơ cao xuất hiện bệnh này (Vương quốc Anh, Trung Quốc). Nguy cơ TiLV xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua đường nhập khẩu cá rô phi giống là rất cao do bệnh này chưa có trong danh sách các bệnh phải công bố dịch theo quy định của OIE (Jansen et al., 2019) và pháp luật hiện hành của Việt Nam (Cục Thú y, 2017a). Ngoài ra, Cục Thú y đã tổ chức phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, lấy mẫu xét nghiệm TiLV trên cá rô phi, tính đến nay đã lấy và xét nghiệm 257 mẫu cá tại 15 tỉnh, thành phố, trong đó có 60 mẫu (chiếm 26,43%) dương tính với TiLV (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, 2017). Do đó, theo nhận định của OIE, FAO và Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng thủy sản khu vực Châu Á Thái Bình Dương (NACA), Việt Nam là nước thuộc diện có nguy cơ rất cao đối với bệnh này. Để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này, Cục Thú y bước đầu ban hành một số văn bản chỉ đạo nhằm cảnh báo về nguy cơ bùng phát và lây lan của dịch bệnh do TiLV gây ra trên cá rô phi, như công văn 1357/TY-TS ngày 17/7/2017 về hướng dẫn phòng, chống bệnh do TiLV trên cá rô phi; công văn số 8862/BNN-TY ngày 20/10/2017 về chỉ đạo áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh mới do TiLV gây ra trên cá rô phi.

Tilapia Lake virus là loại virus được phát hiện trên cả cá rô phi trong tự nhiên và cá rô phi nuôi. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên về TiLV phân lập tại Việt Nam. Trong năm 2019 và 2020, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập 51 mẫu cá rô phi nghi ngờ nhiễm TiLV tại thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM) và Vĩnh Long. Kết quả semi-nested RT-PCR cho thấy chỉ có 02/51 (3,9%) mẫu dương tính với virus TiLV, các mẫu còn lại đều cho kết quả âm tính. Việc nuôi cấy virus trên dòng tế bào E-11 được thực hiện thành công trên 02 mẫu virus TiLV Việt Nam (VL160 và VL167). Tuy nhiên, các mẫu virus TiLV Việt Nam chưa được duy trì thành công trên dòng tế bào E-11 qua các lần cấy chuyền và quy trình này cần phải được tối ưu thêm. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã thay đổi quy trình semi-nested RT-PCR chẩn đoán TiLV để đạt hiệu quả khuếch đại tốt hơn, so với 02 quy trình semi-nested RT-PCR cho TiLV phổ biến hiện nay bằng cách thay cặp mồi đặc hiệu bằng cặp mồi Random hexamer/OligodT trong phản ứng tổng hợp CDNA. Mặc dù, độ nhạy của quy trình RT-PCR tối ưu này cần được khảo sát thêm ở các nồng độ mẫu RNA khác nhau, nhưng quy trình RT-PCR này có thể được ứng dụng tại các đơn vị kiểm soát dịch bệnh thủy sản để tăng hiệu quả phát hiện virus TiLV.

Virus TiLV đã được phát hiện tại các quốc gia trên thế giới, nhưng hiện có rất ít công bố liên quan đến TiLV phân lập tại Việt Nam. Trong nghiên cứu này, dù số lượng mẫu còn ít và tập trung tại hai tỉnh thành, nhưng kết quả chẩn đoán TiLV cũng phản ánh phần nào tình trạng nhiễm TiLV tại các trại nuôi cá rô phi tại khu vực phía Nam. Cụ thể là, dịch bệnh do TiLV gây ra tại đây chưa xuất hiện nhiều, chưa có tình trạng lây lan rộng khắp trại cá, chưa ở mức nghiêm trọng, có vẻ xảy ra theo mùa trong năm và phụ thuộc vào các yếu tố môi trường (như nhiệt độ cao, nước bị đục). Bên cạnh đó, nghiên cứu này đã bước đầu tăng hiệu quả chẩn đoán của TiLV ở các mẫu có mức độ nhiễm virus yếu với quy trình semi-nested RT-PCR bằng cách sử dụng cặp mồi Random hexamer/OligodT trong phản ứng tổng hợp cDNA. Tuy nhiên, độ nhạy chính xác của quy trình này cần được định lượng bằng bộ mẫu chuẩn với số lượng bản sao TiLV khác nhau. Việc phân lập và nuôi cấy TiLV bước đầu thành công, nhưng cần phải tìm được mẫu cá bệnh với mật độ TiLV nhiều hơn; đồng thời điều chỉnh và tối ưu hóa thêm quy trình cấy chuyền virus nhằm lưu trữ được nguồn TiLV Việt Nam phục vụ cho các nghiên cứu sâu hơn sau này.

 ntdinh

Tạp chí nghề cá sông Cửu Long - Số 18/2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài