Hiện trạng khai thác và phát triển nuôi cá măng sữa (Chanos) ở vùng biển Đông Nam Việt Nam
Nghiên cứu: “Hiện trạng khai thác và phát triển nuôi cá măng sữa (Chanos) ở vùng biển Đông Nam Việt Nam” do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Dung - Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa -Vũng Tàu; Nguyễn Phú Hòa, Nguyễn Văn Trai - Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh thực hiện.
Cá Măng sữa (Chanos) trong tự nhiên là loài rộng muối, ít bệnh, phân bố cả ở đại dương và sâu trong vùng nước ngọt nội địa, nên trong kỹ thuật nuôi, cá dễ thích nghi với các điều kiện nuôi khác nhau. Cá hiện được nuôi phổ biến ở các quốc gia Philippines, Indonesia và Đài Loan, là một trong những đối tượng có khả năng cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cho nhu cầu dinh dưỡng của con người (Bagarinao, 1994). Nghề nuôi tận dụng được diện tích ruộng muối bỏ hoang và có tính bền vững sinh thái ở Tanzania (Requintina và ctv., 2006). Là sinh kế thay thế có tính bền vững đối với cộng đồng cư dân ven biển Ấn Độ (Jaikumar và ctv., 2013). Một trong số ít loài có khả năng duy trì thu nhập ổn định cho hộ nuôi quy mô trung bình và nhỏ ở vịnh Kendary, Indonesia (Muhammad và ctv., 2020). Phần lớn ao nuôi cá Măng sữa ở Philippines vận hành trên diện tích lớn từ 5 – 10 ha, năng suất trung bình đạt 800 kg/ha/3 vụ/năm. Một số hệ thống có thiết kế cải tiến, cho phép nuôi theo kiểu tích hợp (Module) thì có thể nuôi được tối đa 8 vụ/năm, sản lượng tăng thêm hơn 2.000 kg/ ha (Roxas và ctv., 2016). Ở Đài Loan, cá được nuôi theo hình thức gối đầu, sau mỗi giai đoạn nuôi cá được chuyển sang ao có kích thước lớn hơn. Cách nuôi này giúp tiết kiệm chi phí quản lý và cho phép gối đầu từ 4 – 8 vụ mỗi năm, tăng năng suất thu hoạch là 2.000 – 4.000 kg/ha/năm (Yang và Han, 2015). Ở Indonesia, cá Măng sữa được nuôi 100% trong điều kiện nước lợ, chiếm vị trí thứ 2 với 263.139 tấn tương đương tỉ lệ 15,6%, chỉ ngay sau cá Chép với 264.349 tấn, tương đương tỉ lệ 15,7% trong 10 loài nuôi ao đất phổ biến nhất (Sari, 2010). Nghề nuôi cá Măng sữa phát triển rải rác ở Việt Nam trong thời gian gần đây, nhận được phản hồi tích cực từ các hộ nuôi và nhà quản lý về khả năng sinh trưởng tốt trên ao nuôi tôm cũ, nuôi đơn hay nuôi ghép đều thuận lợi, tiết kiệm chi phí đầu vào do tính ăn đa dạng, giúp cải thiện chất lượng nước nuôi do ăn tảo và mùn bã hữu cơ. Khi nghề nuôi cá Măng sữa phát triển, xuất khẩu sản phẩm cũng sẽ là hướng đi giàu tiềm năng, vì hiện có 24 chủng loại sản phẩm chế biến từ cá Măng sữa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, được đánh giá an toàn và chất lượng theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt GMP tại Philippines (Espejo-Hermes, 2004). Vùng ven biển Đông Nam Việt Nam, bắt đầu từ Bình Định đến Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều lợi thế tự nhiên đối với nghề nuôi cá Măng sữa, đặc biệt là nguồn lợi cá giống tự nhiên, tuy nhiên rất thiếu cơ sở dữ liệu làm nền tảng cho việc đề xuất hướng phát triển bền vững. Vì vậy, cần phải tiến hành điều tra thông tin khai thác cá giống, đánh giá hiện trạng nghề nuôi, bao gồm cả những vấn đề về thị trường tiêu thụ, những khó khăn và thách thức hiện tại, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, nhằm phát triển vùng nuôi cá Măng sữa chuyên nghiệp hơn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu lâu dài.
Thông tin về nghề khai thác và nuôi cá Măng sữa ở Việt Nam hiện nay rất ít nên việc lập kế hoạch quản lý nguồn lợi và phát triển nghề nuôi đối tượng này gặp nhiều hạn chế. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiện trạng khai thác và nuôi cá Măng sữa vùng biển Đông Nam Việt Nam. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tại các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa – Vũng Tàu, trong khoảng thời gian từ tháng 01/2017 - 6/2018. Sử dụng phương pháp điều tra phỏng vấn, khảo sát thực địa và thu thập số liệu thứ cấp. Kết quả khảo sát cho thấy số hộ nuôi rất ít (41 hộ), với tổng diện tích ao nuôi khoảng 56 ha, tổng sản lượng ước tính là 208,44 tấn. Mật độ thả giống từ 0,5 đến 1 con/m2 , hình thức gồm nuôi đơn, nuôi ghép với tôm Sú và cua Xanh. Tỉ lệ sống dao động trong khoảng từ 80 – 90%, năng suất trung bình của hệ thống nuôi đơn là 8 tấn/ha/vụ sau 9 tháng nuôi, của hệ thống nuôi ghép là 300 kg/ha/vụ trong 6 tháng nuôi. Thức ăn dùng để nuôi cá Măng sữa rất đa dạng, có thể là thức ăn tự nhiên như các loài tảo và mùn bã hữu cơ, thức ăn tự chế biến từ phụ phẩm thủy hải sản và bột cám, thức ăn công nghiệp từ sản phẩm dành cho cá Tra. Loài cá này được cho là dễ nuôi trong các ao nuôi tôm, ruộng muối cũ, ao đất hoặc ao lót bạt, ở các điều kiện nước mặn, nước lợ và nước ngọt khác nhau. Cá Măng sữa hiện sinh sản ở 3 khu vực chính là đầm Đề Ghi (Bình Định), vịnh Nha Phu (Khánh Hòa) và vịnh Cà Ná (Ninh Thuận), người dân có kinh nghiệm trong khai thác và ương nuôi cá giống. Vùng biển Đông Nam Việt Nam có lợi thế về nguồn lợi con giống, nhưng quy mô phát triển nghề nuôi còn nhỏ lẻ thời gian qua. Vì vậy, cần phải có các giải pháp dài hạn trong phát triển nghề nuôi cá Măng sữa, theo hướng mở rộng diện tích và ngày một chuyên nghiệp hơn.
ntdinh
Tạp chí nghề cá sông Cửu Long - số 17/2020