SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát hoạt tính kháng dị ứng của piceatannol từ quả sim (Rhodomyrtus tomentosa)

[18/10/2021 10:20]

Nghiên cứu do các tác giả Võ Thanh Sang, Nguyễn Hoàng Nhật Minh , Bạch Long Giang, Nguyễn Lương Hiếu Hòa – Viện Kỹ thuật Công nghệ cao Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, tác giả Ngô Xuân Quảng, Nguyễn Hữu Hùng – Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các tác giả Phạm Ngọc Hoài, Ngô Đại Hùng – Trường Đại học Thủ Dầu Một, tác giả Lê Văn Minh - Trung tâm Sâm và dược liệu thành phố Hồ Chí Minh, Viện Dược liệu thực hiện.

Piceatannol được biết đến như là một hoạt chất có nhiều hoạt tính sinh học như kháng ung thư, kháng tiểu đường, kháng oxi hóa, kháng viêm và kháng béo phì. Trong nghiên cứu này, hoạt tính kháng dị ứng của piceatannol từ quả sim ở Phú Quốc được khảo sát thông qua mô hình thí nghiệm dưỡng bào RBL-2H3. Piceatannol được tách chiết thông qua các hệ dung môi khác nhau trên hệ thống sắc ký cột silica gel và phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao và được nhận diện dựa theo phương pháp phổ khối lượng và cộng hưởng từ hạt nhân. Quá trình thoát bọng của dưỡng bào được khảo sát thông qua đo hàm lượng β-hexsosaminidase giải phóng ra trong môi trường nuôi cấy. Hình thái tế bào được quan sát và mô tả thông qua kính hiển vi soi ngược. Độc tính của chất thử nghiệm được kiểm tra thông qua phương pháp MTT ((3-(4,5-dimethylthiazol-2-yl)-2,5-diphenyl tetrazolium bromide).  

Nghiên cứu này được triển khai thực hiện nhằm góp phần đánh giá thêm hoạt tính kháng dị ứng của piceatannol từ quả sim thông qua mô hình thí nghiệm in vitro. Vật liệu dùng trong nghiên cứu là quả sim được thu mua từ Chợ Dương Đông, Thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Tất cả các hóa chất phục vụ cho nghiên cứu này được mua từ Công ty Sigma-Aldrich (Mỹ).

Qua thời gian thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt tính kháng dị ứng của piceatannol từ quả sim đã được đánh giá trên mô hình dưỡng bào. Hoạt tính kháng dị ứng của piceatannol được chứng minh thông qua khả năng ức chế quá trình thoát bọng và làm giảm sự giải phóng của β-hexosaminidase từ tế bào RBL-2H3. Đáng chú ý, piceatannol thể hiện hoạt tính cao tại nồng độ không gây độc tính cho tế bào thử nghiệm. Như vậy, piceatannol từ quả sim có thể được đề xuất để ứng dụng như là một thành phần quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm có vai trò trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị dị ứng. Tuy nhiên, các nghiên cứu bổ sung liên quan đến hoạt tính kháng dị ứng của piceatannol từ quả sim cần được mở rộng thực hiện thêm trên các mô hình thí nghiệm khác trước khi đưa vào ứng dụng thực tiễn.

(nthang)

Tạp chí Công nghệ sinh học, Tập 19 Số 1/2021 (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ