COVID khiến nhiều nhà nghiên cứu giảm năng suất và kiệt quệ tinh thần
Sản lượng nghiên cứu giảm và nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy bị kiệt quệ tinh thần.
Các nhà sinh học thần kinh đeo mặt nạ làm việc tại Đại học Cayetano Heredia ở Lima, Peru.
Các nghiên cứu mới, khảo sát các nhà khoa học ở châu Âu, Mỹ và Brazil, cho thấy đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sức khỏe tinh thần, nhất là ở nhà khoa học nữ, da màu hoặc có con nhỏ. Có thể mất nhiều năm, những ảnh hưởng này mới bắt đầu bộc lộ tác động tiêu cực đến nền khoa học.
Ít dự án mới
Nhà nghiên cứu khoa học mạng Dashun Wang tại Đại học Northwestern, Evanston, Illinois, đã tiến hành hai cuộc khảo sát trên tổng số gần 7.000 nhà nghiên cứu, hai khảo sát cách nhau chín tháng.
Khi Wang tiến hành cuộc khảo sát thứ nhất vào tháng 4/2020, trong giai đoạn đầu của đại dịch, kết quả cho thấy các nhà khoa học đã dành ít thời gian hơn đáng kể cho việc nghiên cứu so với trước đại dịch.
Cuộc khảo sát thứ hai của Wang cho thấy sản lượng nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu trong năm 2020 đã giảm so với năm 2019. Các nhà khoa học không làm việc trong các dự án liên quan đến COVID nói rằng số bài đăng tạp chí và bài gửi đi của họ giảm lần lượt 9% và 15% trong năm 2020.
Wang nói, điều đáng lo ngại hơn là các nhà khoa học nhìn chung đã khởi động ít dự án nghiên cứu hơn vào năm 2020, giảm 26% so với năm 2019.
Nếu không có một "thế hệ" các dự án mới, thì trong tương lai, số bài báo khoa học cũng như tài trợ cho khoa học sẽ giảm, Reshma Jagsi, nhà ung thư học tại Đại học Michigan, Ann Arbor, giải thích. Wang nói rằng hệ quả của tình trạng này có thể sẽ bắt đầu xuất hiện trong hồ sơ xuất bản ba hoặc bốn năm nữa, vì độ trễ thời gian trong việc tạo ra các bài báo khoa học từ các dự án nghiên cứu.
Tác động đến sức khỏe tinh thần
Kết quả của một cuộc khảo sát khác trên 2.000 nhân viên tại các cơ sở giáo dục đại học của Vương quốc Anh, do tổ chức từ thiện Education Support tại London thực hiện vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, cho thấy bức tranh ảm đạm về sức khỏe tinh thần ở các trường đại học Vương quốc Anh. Gần 2/3 số người tham gia cho biết họ cảm thấy kiệt quệ về mặt cảm xúc - một dấu hiệu của sự kiệt sức - ít nhất một lần một tuần, và hơn 1/4 cho biết họ cảm thấy như vậy mỗi ngày.
Các công việc, đặc biệt là liên quan đến giảng dạy, online đã làm tăng áp lực đối với nhiều nhà nghiên cứu, nhà tâm lý học Siobhan Wray từ Đại học Lincoln, Anh, đồng tác giả của nghiên cứu khảo sát ở Anh, cho biết.
Khoảng cách về giới và chủng tộc tăng lên
Dữ liệu khảo sát của Wang và các đồng nghiệp cũng cho thấy đại dịch ảnh hưởng nhiều hơn đến các nhà khoa học nữ và nhà khoa học có con nhỏ, vì họ phải dành thời gian cho việc chăm sóc trẻ em.
Phát hiện này nhất quán với hồ sơ xuất bản: trong số các bản thảo được gửi cho hơn 2.000 tạp chí của Elsevier từ tháng 2 đến tháng 5/2020, số bản thảo của các nhà khoa học nữ không tương xứng với tỉ lệ nhà khoa học nữ (dựa trên cơ sở dữ liệu 5 triệu tác giả của Elsevier), trong khi ở thời điểm này, số bản thảo nộp về các tạp chí của Elsevier đã tăng vọt 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Một nghiên cứu ở Brazil cũng cho thấy các nhà khoa học làm mẹ hoặc nhà khoa học da màu bị giảm năng suất nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu là phụ nữ da đen và có con là những người bị ảnh hưởng nặng nhất: trong tháng 4 và tháng 5/2020, số bài báo họ nộp giảm một nửa so với kế hoạch, trong khi nam giới da trắng không có con bị ảnh hưởng rất ít đến kế hoạch nộp bài.
Fernanda Staniscuaski, nhà sinh học phân tử tại Đại học Liên bang Rio Grande do Sol, Porto Alegre, Brazil, người đứng đầu nghiên cứu ở Brazil, ngờ rằng các nhà khoa học da đen ở Brazil và các nơi khác có thể bị cô lập hơn về mặt học thuật - và tình trạng này càng thêm trầm trọng trong thời kỳ đại dịch, vì họ không được hưởng lợi từ các mạng lưới kết nối chuyên môn.
Nếu không có kế hoạch giúp các nhà nghiên cứu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, một số người có thể rơi vào “vòng luẩn quẩn” - cơ hội xuất bản bài báo và cơ hội nghề nghiệp ngày càng ít hơn trong những năm tới, Staniscuaski cảnh báo.
Hoàng Phương tổng hợp