Việt Nam học: Thành tựu và triển vọng
Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI, chiều ngày 28/10/2021, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đồng tổ chức diễn đàn “Việt Nam học: Thành tựu và triển vọng”. Hội thảo kết hợp cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút hàng trăm đại biểu tham dự.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định : Diễn đàn là không gian tụ hội các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội cùng chia sẻ, đánh giá những thành tựu đạt được trong nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học thời gian qua; chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế; cũng như xác định đường hướng phát triển của ngành Việt Nam học trong thời gian sắp tới. Diễn đàn cũng nhằm tăng cường kết nối, mở rộng giao lưu, hợp tác, phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới và nhân loại đang trong thời kỳ trải qua những chuyển biến to lớn dưới tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những biến động khôn lường của đại dịch Covid-19, với những mối quan tâm chung ngày càng gia tăng. Giám đốc ĐHQGHN cũng hy vọng các học giả cùng đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua những sáng kiến, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, giúp Việt Nam phát triển bền vững, đồng thời góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với thế giới.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi và chia sẻ một số tham luận: “Việt Nam học: Kinh nghiệm quá khứ và những vấn đề đang đặt ra” của GS.TSKH Vũ Minh Giang - ĐHQGHN; “11 năm thành lập Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Quốc gia Saint Petersburg” của GS.TSKH Vladimir Kolotov - Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg, CHLB Nga; “Tình hình nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản: Thành tựu, thách thức và triển vọng” của GS.TS Furuta Motoo - Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam; “Việt Nam học ở Đức và châu Âu” của GS.TS Thomas J. Engelbert - Đại học Hamburg, CHLB Đức; “Những xu hướng Việt Nam học mới: Trường hợp nghiên cứu lịch sử Việt Nam” của GS.TS Martin Grossheim - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc; “Chương trình Việt Nam học ở Trường Đại học Charles, Cộng hòa Séc” của TS Bình Slavická - Đại học Charles, Cộng hòa Séc; “Khu vực học: Những chặng đường phát triển, định hướng và thách thức” của GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN.
VVH