SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số đang là xu thế

[15/11/2021 15:25]

Trong thời đại công nghệ số phát triển, thương mại điện tử cũng đang dần thể hiện được tầm quan trọng và lợi ích vượt trội và là một phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp.

 Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử hiện đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia vì những đóng góp lớn cho tăng trưởng nền kinh tế. Khi internet ra đời thế giới không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Có thể nói rằng thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ, nó là một phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp.

Thương mại điện tử, hay còn gọi là e-commerce, e-comm hay EC, là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính. Thương mại điện tử dựa trên một số công nghệ như chuyển tiền điện tử, quản lý chuỗi dây chuyền cung ứng, tiếp thị Internet, quá trình giao dịch trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), các hệ thống quản lý hàng tồn kho, và các hệ thống tự động thu thập dữ liệu.

Như vậy, thương mại điện tử được hiểu như một phương thức kinh doanh từ internet. Được hình thành và phát triển và dần cho thấy hiệu quả của nó. Chính vì vậy, nhiều người có thể hiểu thương mại điện tử là giao dịch thương mại, mua sắm qua internet.

Ở Việt Nam, phát triển thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số đang là xu thế trong các lĩnh vực:

Logistics, chuyển đổi từ công ty logistics truyền thống sang công ty logistics thương mại điện tử. Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, số lượng DN ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình tăng từ 15 - 20% lên đến 40 - 50%, tuy nhiên những công nghệ mới được ứng dụng trong ngành logistics trên thế giới vẫn chưa được phổ biến ở Việt Nam.

Lĩnh vực du lịch, chất lượng dịch vụ được cải thiện nhờ sử dụng “mô hình du lịch thông minh”, thị phần đặt phòng khách sạn trực tuyến ở Việt Nam cũng rất lớn, chiếm trung bình 30 - 40% tổng doanh số bán hàng; hệ thống giao thông công cộng cũng góp phần làm tăng trưởng du lịch thông minh.

Lĩnh vực y tế, phát triển hệ thống y tế thông minh: phòng bệnh thông minh, khám và điều trị thông minh, quản lý y tế bằng công nghệ thông minh; sáng kiến về “mô hình số hóa truyền thông y tế”, đó là một mạng lưới khép kín gồm các kênh truyền thông trong môi trường bệnh viện, được vận hành và xử lý qua internet; cổng thông tin trực tuyến Medihub.vn cung cấp thông tin chính thức về các dịch vụ, quy trình, quy định, cũng như thông tin và phương pháp điều trị mới của từng bệnh viện.

Được biết, hiện nay là doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về thương mại điện tử và công nghệ thông tin; nhân lực về thương mại điện tử không được phân bổ đồng đều, phần lớn nhân lực thương mại điện tử tập trung ở những nơi có chỉ số phát triển thương mại điện tử cao như Hà Nội, Đà Nẳng, TP.HCM…; tổ chức nhiều khóa đào tạo ngắn hạn, các lớp tập huấn, hội thảo về thương mại điện tử ở nhiều cấp độ; các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo chính quy, dài hạn; tình hình nguồn cung không đáp ứng nhu cầu nhân lực thương mại điện tử.

Nhu cầu thực tế được tổng hợp như sau: phân theo lĩnh vực (tính đến thời điểm cuối năm 2020), theo đó lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo chiếm tỷ lệ cao nhất 46%; kế đến là công nghệ thông tin, truyền thông 45%; giải trí 44%; nông-lâm-thủy sản 39%; vận tải, giao nhận 35%; năng lượng, khoáng sản 33%; tài chính, bất động sản 32%; du lịch, ăn uống 32%; công nghiệp chế biến, chế tạo 30%; bán buôn, bán lẻ 29%; xây dựng 17%.

Nếu phân theo nhu cầu kỹ năng công việc về thương mại điện tử thì kỹ năng quản trị website và sàn giao dịch thương mại điện tử nhu cầu 49%; kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử 46%; kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai dự án thương mại điện tử 45%; kỹ năng quản trị cơ sở dữ liệu 45%; kỹ năng cài đặt chế độ ứng dụng, khắc phục sự cố 41%; kỹ năng tiếp thị trực tuyến 39%; kỹ năng triển khai thanh toán trực tuyến 29%.

Thực trạng này cũng là cơ hội cho sự hợp tác, chia sẻ của các trường chuyên ngành kinh tế; các sở ngành, hiệp hội; các DN thương mại điện tử; các DN cung cấp giải pháp công nghệ để đánh thức tiềm năng trong việc đào tạo nhân lực thương mại điện tử. Trong sự hợp tác này, vai trò nhà trường là hết sức quan trọng, mang tính nền tảng, cốt lõi bởi vì phải thiết kế chương trình đào tạo phù hợp cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nhân lực lao động thương mại điện tử công nghệ cao, thông qua nhu cầu thị trường, nhu cầu nhà quản lý, nhu cầu DN thương mại điện tử…

Sản phẩm đào tạo phải là chuyên viên giỏi có nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở lập trình, cơ sở dữ liệu, dịch vụ mạng internet, hệ thống thông tin, phân tích thiết kế hệ thống thông tin; nền tảng về kinh doanh thương mại như quản trị học, marketing căn bản, quản trị chuỗi cung ứng, hành vi người tiêu dùng, quản trị quan hệ khách hàng; đảm bảo nền tảng chuyên sâu về thương mại điện tử: chiến lược kinh doanh thương mại điện tử, quản trị dự án thương mại điện tử, xây dựng website thương mại điện tử, công nghệ thương mại điện tử, luật thương mại điện tử, bảo mật thương mại điện tử, hệ thống thanh toán điện tử, digital maketing, nghiên cứu thị trường thương mại điện tử, kinh doanh thông minh...

Tuy hoạt động TMDT còn rất nhiều thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp, nhưng với tầm ảnh hưởng và xu hướng trở thành 1 kênh phân phối quan trọng các doanh nghiệp không thể không quan tâm tới tầm quan trọng của thương mại điện tử đối với doanh nghiệp và dành những nguồn lực tương xứng của doanh nghiệp cho việc phát triển thương mại điện tử. Thương mại điện tử sẽ ngày càng chiếm lĩnh những vị thế quan trọng đối với các doanh nghiệp với tốc độ tăng trưởng thị trường nhanh và ổn định kết hợp với xu hướng chuyển dịch thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Hoài Thương

www.vietq.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ