Các tác nhân môi trường gây ung thư thực quản vẫn còn là ẩn số
Nghiên cứu được công bố vào tuần trước trên tạp chí Nature Genetics đã cho thấy rằng các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ lý do thực sự gây ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản.
Phẫu thuật thực quản được thực hiện bằng cách sử dụng máy tăng cường ảnh. Ảnh: Getty Images
Mới đây, Michael Stratton - một trong những chuyên gia hàng đầu về ung thư tại Anh, giám đốc của Viện Wellcome Sanger, cho biết một nghiên cứu quốc tế gần đây về ung thư - nhằm xác định chính xác các yếu tố kích hoạt môi trường liên quan đến ung thư thực quản - đã chứng minh rằng hiểu biết hiện tại của khoa học về sự hình thành khối u vẫn còn nhiều thiếu sót. Các nhà khoa học giờ đây sẽ phải suy nghĩ lại về cách mà các tác nhân từ môi trường tạo điều kiện cho các khối u hình thành và phát triển.
Nghiên cứu nhằm tìm hiểu lý do tại sao một số khu vực trên thế giới có tỷ lệ người dân mắc phải ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản rất cao. Những khu vực này bao gồm các vùng của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Kenya và Trung Quốc, nơi căn bệnh này là dạng ung thư phổ biến nhất. Ở nhiều nơi khác trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh tương đối thấp.
“Tất cả những yếu tố ngoại cảnh khác nhau đã được nêu ra nhằm tìm kiếm lời giải thích cho việc vì sao tỷ lệ ở những khu vực đó lại cao”, Stratton cho biết. “Một số nhà nghiên cứu đã đề xuất rằng có thể nó liên quan đến mức độ tiêu thụ rượu cao chẳng hạn. Nhưng mức độ uống rượu ở Iran rất thấp. Nhiều người khác thì cho rằng nguyên nhân có thể liên quan đến khói dầu từ quá trình nấu nướng. Tuy nhiên, dường như không có mẫu số chung nào giữa các vùng khác nhau này có thể giải thích được câu hỏi mà chúng tôi gặp phải. Đó thực sự là một câu đố.”
Ung thư thực quản là căn bệnh khó điều trị, bởi chúng ta thường chỉ phát hiện ra khối u sau khi nó đã bắt đầu hình thành bên trong cổ họng của người bệnh. “Tỷ lệ người mắc bệnh đặc biệt cao ở Kenya. Và do niềm tin địa phương, nhiều bệnh nhân đã không đến thẳng bác sĩ hoặc bệnh viện mà lại tìm đến những người chữa bệnh bằng đức tin hoặc các thầy lang”, Mimi McCord, người đã tham gia vào nghiên cứu, cho biết.
“Tình trạng bệnh của họ ngày càng xấu đi và người thân phải đưa họ đến các bệnh viện trung ương trong nước. Đến lúc đó thì thường đã là quá muộn.”
Để xác định chính xác các yếu tố môi trường có thể liên quan đến những trường hợp này và ở các ‘điểm nóng’ ung thư thực quản khác, các nhà khoa học tiến hành lấy mô và máu của khối u từ những người mắc bệnh. “Chúng tôi đã lấy mẫu của vài trăm người ở Kenya, Iran và các khu vực khác,” Paul Brennan, từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế ở Lyon, Pháp, cũng tham gia vào dự án, cho biết. "Mỗi người cung cấp một mẫu khối u và máu của họ."
Với mẫu vật liệu này, các nhà nghiên cứu sau đó bắt đầu tìm kiếm “một dấu hiệu đột biến” trong bộ gen của khối u. “Dấu hiệu đột biến là một dạng đột biến cụ thể trong DNA của một số bệnh ung thư. Nếu xem xét bộ gen ung thư và từ các dấu hiệu đột biến hiện có, chúng ta có thể nhận ra nguyên nhân gây ra bệnh ung thư đó”.
Mục đích của nghiên cứu là phát hiện ra một dấu hiệu đột biến tương tự đối với bệnh ung thư thực quản - dấu hiệu sẽ chỉ ra nguyên nhân từ môi trường khiến tỷ lệ mắc bệnh ở Kenya và một số quốc gia cao hơn những khu vực khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã không thể xác định được bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một chất hóa học hoặc yếu tố nào khác đã kích hoạt các đột biến khiến một tế bào thực quản trở thành tế bào ung thư.
“Đó là một bước thụt lùi, bởi vì nếu chúng tôi tìm thấy bất kỳ dấu hiệu đột biến đặc biệt nào, chúng tôi đã có thể đưa ra giả thuyết về nguyên nhân của nó - chẳng hạn như do chế độ ăn uống hoặc thói quen sinh hoạt. “Sau đó, chúng tôi sẽ theo dõi để xác định nguyên nhân và tìm ra các giải pháp sức khỏe cộng đồng cho vấn đề. Đáng buồn là chúng tôi vẫn chưa thể làm được điều đó,” Stratton cho biết.
Hà Trang dịch