Hy vọng phòng ngừa bệnh Lyme bằng vaccine mRNA
Ngoài bệnh Lyme, vaccine mRNA mới còn hứa hẹn có khả năng ngăn ngừa các bệnh khác do bọ ve gây ra - theo kết quả từ một thử nghiệm trên động vật.
Mỗi năm, bọ ve hươu (Ixodes scapularis) truyền bệnh Lyme cho khoảng nửa triệu người ở Mỹ.
Công nghệ mRNA trở nên nổi tiếng với việc tạo ra vaccine COVID-19, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều vaccine khác từ cúm đến ung thư, và mới đây tiếp tục mở đường cho vaccine phòng bệnh Lyme. Vaccine mRNA phòng bệnh Lyme đang được phát triển dựa trên một cơ chế phòng bệnh mới, khác hẳn với các vaccine trước đây: không nhắm mục tiêu vào mầm bệnh, mà nhắm vào con bọ ve truyền bệnh.
Bệnh Lyme, do vi khuẩn lây truyền từ bọ ve sang người, ngày càng phổ biến ở châu Âu, châu Á, và Bắc Mỹ. Ước tính, tại Mỹ có 476.000 trường hợp bệnh Lyme mỗi năm. Vi khuẩn gây bệnh Lyme, Borrelia burgdorferi, sau khi lây nhiễm sẽ gây ra vẩy nến và phát ban da, xâm nhập vào não, dây thần kinh, tim và khớp, có thể dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn, làm chậm nhịp tim và viêm khớp.
“Đối với một số người, bệnh Lyme có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng," Adriana Marques, người điều hành các thử nghiệm bệnh Lyme tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết, chẳng hạn như đãng trí, mệt mỏi, giảm thính lực, thị lực, hoảng loạn, v.v... Thuốc kháng sinh có thể điều trị bệnh Lyme ở giai đoạn đầu, nhưng số người nhiễm ngày càng tăng, và năm 2020, ít nhất 1,6 triệu người phải chịu các hệ quả mãn tính của bệnh. Hiện chưa có vaccine cho người.
“Đây là loại vaccine đầu tiên dành cho người chống lại một căn bệnh truyền nhiễm mà không nhắm vào mầm bệnh,” Erol Fikrig, nhà nghiên cứu đằng sau ý tưởng vaccine Lyme mới, cho biết. Trong thử nghiệm, vaccine mRNA được tiêm cho chuột lang, làm cho vết cắn của bọ ve đỏ lên và bị viêm. Do đó bọ ve khó hút chất dinh dưỡng và không truyền được vi khuẩn gây bệnh Lyme.
Vì sao lại cần đến vaccine mRNA? "Nước bọt tiết ra từ bọ ve chứa các tác nhân protein giúp truyền mầm bệnh, nhưng những protein đó rất khó tạo ra trong phòng thí nghiệm,” Fikrig nói. “Cái hay của vaccine mRNA là chúng ta không cần tạo ra protein - cơ thể sẽ thực hiện điều đó.”
Vaccine mới - đóng gói 19 đoạn mã mRNA, mỗi đoạn mã hóa một protein (kháng nguyên) từ nước bọt của bọ ve hươu-ra lệnh cho các tế bào trong cơ thể chuột lang tạo ra các protein đó, giúp hệ thống miễn dịch phát triển phản ứng chống lại các protein. Trong vòng 18 giờ sau khi bị bọ ve cắn, hầu hết các vết cắn đã biến thành vết thương đỏ, viêm và có thể ngứa.
Phản ứng viêm trong vòng 18 giờ là cơ chế phòng bệnh quan trọng, vì B. burgdorferi hiếm khi truyền từ ve sang vật chủ trước 36 giờ.
Vết cắn của bọ ve trở nên đỏ và sưng tấy ở chuột lang đã được tiêm phòng (trái) so với chuột chưa được tiêm phòng (phải.)
Sau khi vết cắn ở chuột lang bị viêm - tương tự phản ứng của con người khi phát hiện vết cắn nhờ cảm giác viêm và ngứa - các nhà khoa học gỡ bọ ve khỏi chuột và kết quả là B. burgdorferi không lây truyền được nữa. Tuy nhiên, khi không gỡ bỏ bọ ve, 60% số chuột được tiêm phòng vẫn bị nhiễm bệnh, tương đương nhóm đối chứng.
Các nhà khoa học lưu ý rằng nếu vaccine này có tác dụng ở người, thì nó cũng sẽ bảo vệ chúng ta khỏi các mầm bệnh khác do bọ ve lây truyền, chẳng hạn như bệnh lê dạng trùng.