SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của một số thông số trong quá trình trích ly đến khả năng kháng oxy hóa của dầu hạt chè (Camellia sinensis O. Kuntze)

[25/11/2021 08:31]

Nghiên cứu do các tác giả Phan Thị Phương Thảo, Vũ Hồng Sơn - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tác giả Giang Trung Khoa - Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nhằm nhằm xác định thông số phù hợp trong quá trình trích ly, giúp tăng khả năng kháng oxy hóa của dầu hạt chè.

Nhờ điều kiện khí hậu và đất đai thích hợp cho sự phát triển của cây chè, Việt Nam có diện tích trồng chè đứng thứ 5 thế giới với các sản phẩm chủ yếu là búp, lá chè. Cây chè được trồng ở 23 tỉnh, tập trung nhiều ở các tỉnh trung du và miền núi với diện tích lớn, cho thấy tiềm năng thu nhận hạt chè cao. Tuy nhiên ở nước ta, nguồn nguyên liệu quý giá này vẫn chưa được quan tâm khai thác, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng hạt chè để sản xuất dầu ăn, thuốc thảo dược như Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Hạt chè có chứa nhiều hợp chất có giá trị sử dụng như saponin, protein, lipit..., trong đó lipit chiếm 29-34%. Như vậy, nghiên cứu sản xuất TSO mở ra tiềm năng lớn giúp nâng cao giá trị cây chè, tăng thêm thu nhập cho nông dân, đồng thời phát triển các sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe và phù hợp với nhu cầu sử dụng của con người. TSO thực sự là cơ hội mở ra tiềm năng phát triển mới cho ngành sản xuất dầu thực vật.

TSO là một loại dầu ăn được, có vai trò như một dạng thực phẩm tăng cường sức khỏe trong chế độ ăn uống do hoạt tính kháng oxy hóa của nó. “Tuổi thọ” của TSO cao là nhờ hàm lượng axit béo linolenic và linoleic thấp; sự có mặt của polyphenol và vitamin E (các chất kháng oxy hoá) có tác dụng lớn trong việc giúp TSO ít bị oxy hóa hơn.TSO có màu vàng, lỏng và trong suốt, có tác dụng làm giảm huyết áp, cholesterol, đồng thời có hàm lượng cao các chất chống oxy hoá (polyphenols, carotenoids, vitamin E) và giàu các chất làm mềm cho da...

Nghiên cứu được thực hiện trên hạt chè (Camellia sinensis O. Kuntze) với 22,01% dầu được thu hoạch từ giống Trung du ở Phú Thọ nhằm xác định thông số phù hợp trong quá trình trích ly, giúp tăng khả năng kháng oxy hóa của dầu hạt chè (TSO). Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá ảnh hưởng của kích thước nguyên liệu, tỷ lệ nguyên liệu/dung môi, nhiệt độ, thời gian, tốc độ và số lần trích ly đối với các đặc tính kháng oxy hóa của dầu (thông qua đánh giá các chỉ số IC50, hàm lượng polyphenol tổng số - TPC, tổng hàm lượng carotenoid và tocopherol). Một số thông số phù hợp trong quá trình trích ly được xác định như sau: kích thước nguyên liệu 0,25-0,5 mm, tỷ lệ nguyên liệu/dung môi 1/8-1/10, nhiệt độ trích ly 35-45oC, thời gian trích ly 7-9h, tốc độ trích ly là 200-250 vòng/phút (v/p) và số lần trích ly là 2 lần. TSO được chiết xuất trong các điều kiện thích hợp có hoạt tính quét gốc tự do DPPH (IC50), TPC, tổng hàm lượng carotenoid và tocopherol lần lượt là 62,19 mg/ml, 4,45 mg GAE/g chất khô, 89 mg/kg và 710 mg/kg. Hàm lượng cao các yếu tố kháng oxy hóa giúp TSO không những là một loại dầu thực vật quý mà còn có tính chất như một chất kháng oxy hoá tự nhiên.

nthang

 

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tập 63, số 6, tháng 6/2021 (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ