SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát hiện chủng SARS-CoV-2 mới mang nhiều đột biến

[29/11/2021 09:46]

Các nhà nghiên cứu ở Nam Phi phát hiện một chủng SARS-CoV-2 mới mang nhiều đột biến xuất hiện ở các biến thể khác, bao gồm cả các đột biến ở chủng Delta.

Nhân viên y tế tại đơn vị bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi, nơi một chủng COVID mới đang lây lan nhanh chóng

Chủng này được xác định lần đầu tiên ở Botswana, Nam Phi, vào tháng 11. Các nhà khoa học đang theo dõi và cố gắng tìm hiểu các đặc tính của nó.

Ngày 26/11, một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp để đặt tên cho chủng này - hiện nó đang được gọi là B.1.1.529. Nó có thể sẽ được đặt tên là Nu - chữ cái tiếp theo trong hệ thống đặt tên tiếng Hy Lạp cho các biến thể của virus corona.

Các nhà nghiên cứu phát hiện B.1.1.529 trong dữ liệu giải trình tự bộ gen virus từ Botswana. Chủng này nổi bật vì nó chứa hơn 30 đột biến ở protein gai - protein của SARS-CoV-2 có nhiệm vụ nhận dạng và lây nhiễm các tế bào vật chủ. Protein này cũng là mục tiêu chính của các phản ứng miễn dịch. Nhiều đột biến trong protein gai của B.1.1.529 giống như những đột biến ở Delta và Alpha - liên quan đến khả năng lây nhiễm mạnh hơn và khả năng né tránh miễn dịch.

Dù chưa xác định được khả năng lây nhiễm của B.1.1.529, việc chủng này lây lan nhanh chóng ở tỉnh Gauteng của Nam Phi đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Theo Richard Lessells, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Nata, Durban, Nam Phi, sau khi giải trình tự bộ gen và phân tích di truyền, các nhà khoa học đã phát hiện tất cả 77 mẫu virus mà họ thu thập ở Gauteng từ ngày 12 đến ngày 20/11 đều là B.1.1.529. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục phân tích hàng trăm mẫu khác.

Lessells cho biết, chủng này có một đột biến đặc trưng ở protein gai, do đó có thể phát hiện nó bằng các xét nghiệm định dạng gen, cho kết quả nhanh hơn giải trình tự bộ gen. Bằng chứng sơ bộ từ các thử nghiệm cho thấy B.1.1.529 đang lan rộng ra ngoài Gauteng. “Chúng tôi lo ngại rằng biến thể này có thể đã được lưu hành khá rộng rãi trong nước.”

Nhóm của Penny Moore, nhà virus học tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, Nam Phi - nhóm cung cấp một số dữ liệu đầu tiên về khả năng né tránh miễn dịch của Beta - đã bắt đầu nghiên cứu B.1.1.529. Họ dự định kiểm tra khả năng né tránh các kháng thể ngăn chặn nhiễm trùng, cũng như các phản ứng miễn dịch khác, của chủng này. “Nhiều đột biến ở biến thể này chúng tôi đã biết là đáng lo ngại, nhưng còn nhiều đột biến mới khác có vẻ như cũng làm tăng khả năng né tránh miễn dịch," Moore nói.

Thậm chí còn có những gợi ý từ mô hình máy tính rằng B.1.1.529 có thể tránh được tế bào T, một thành phần quan trọng khác của hệ thống miễn dịch ngoài kháng thể. Nhóm Moore hy vọng sẽ có kết quả đầu tiên sau hai tuần nữa.

“Một câu hỏi nhức nhối là liệu nó có làm giảm hiệu quả của vaccine hay không, vì nó có quá nhiều thay đổi," Aris Katzourakis, người nghiên cứu sự tiến hóa của virus tại Đại học Oxford, Anh, cho biết.

Moore cho biết vẫn chưa rõ liệu biến thể có khả năng lây nhiễm mạnh hơn Delta hay không, vì hiện tại số trường hợp nhiễm COVID-19 ở Nam Phi rất thấp. “Chúng ta cần xem loại virus này có cạnh tranh với Delta và trở nên phổ biến hay không,” Katzourakis nói.

Hoàng Nam tổng hợp

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ