Tiếp cận công nghệ và giải pháp phát triển năng lượng gió tại Việt Nam
Trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, điện gió có vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng tương lai, là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xanh, bền vững đã đề ra.
Toàn cảnh Hội nghị
Đây là ý kiến trao đổi của nhiều đại biểu tại Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam 2021 diễn ra vào sáng 01/12, tại Hà Nội, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, GWEC và Công ty Informa Markets tổ chức.
Lần đầu tiên hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng Digital Connect, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo đầu ngành, đại diện chính phủ và chuyên gia quốc tế. Sự kiện mở ra cánh cổng cho năng lượng gió Việt Nam tiếp cận với công nghệ và giải pháp của thế giới.
Thu hút đầu tư
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năng lượng gió đang có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam. Chính phủ đang thúc đẩy những chiến lược phát triển bền vững nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải, đặc biệt sau khi Việt Nam ký “Tuyên bố toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch” tại COP26 diễn ra ở Glasgow, Anh vừa qua.
Trong lần tổ chức thứ tư này, Hội nghị tiếp tục cung cấp các thông tin mới nhất về bức tranh năng lượng toàn cầu, tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng, cũng như tiềm năng và xu hướng phát triển của ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam và Đông Nam Á trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành GWEC cho biết, năm 2020 là năm đáng nhớ đối với năng lượng gió tại Việt Nam. Điện gió trên bờ đã có các mốc phát triển mới với công suất lắp đặt 4GW. Chính phủ ngày càng có nhiều các biện pháp hỗ trợ cho năng lượng gió với các mục tiêu đặt ra đến năm 2030 trong kế hoạch phát triển đất nước. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Như vậy, những diễn tiến này đều là những tín hiệu lạc quan đối với các nhà đầu tư về năng lượng đang tìm kiếm thời gian và cơ hội để đầu tư vào Việt Nam trong ngành năng lượng. Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động trong thời gian này để giúp cho Việt Nam có thể đáp ứng được mục tiêu phát triển về năng lượng tái tạo. Nghị quyết 52 cũng đã đưa ra cơ sở pháp lý cơ bản cho việc phát triển năng lượng tái tạo.
“Hiện tại, Việt Nam đang có lộ trình để phát triển thị trường điện năng lượng tái tạo. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ hiện thực hóa được vai trò đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo”. Về tương lai, ông Ben Backwell bày tỏ tin tưởng về cơ chế đấu giá hiện nay đang trong quá trình phát triển sẽ đặt nền tảng để có được cơ chế định giá năng lượng tái tạo cạnh tranh như một số nơi trên thế giới. Qua đó, giúp chúng ta có làn sóng thứ hai của điện gió trên bờ cũng như sự phát triển trong tương lai của điện gió ngoài khơi với giá ngày càng hấp dẫn hơn khi có sự hỗ trợ của Chính phủ. Với càng nhiều đầu tư vào công nghệ trong ngành này, điện gió sẽ là nguồn năng lượng đáng tin cậy.
Ông Ben Backwell tin tưởng vào công nghệ quản lý mới về năng lượng, năng lượng gió sẽ trở thành xương sống hệ thống năng lượng trong tương lai của Việt Nam. Cùng với đó là việc chuyển dịch xanh trong năng lượng sẽ giúp cho Việt Nam duy trì được vị thế đi đầu trong khu vực, chuỗi cung ứng về công nghệ điện gió mà các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Đông Nam Á. Các công ty này đều cam kết tuân thủ năng lượng xanh và tìm các thị trường để ứng dụng nguồn năng lượng sạch. Năng lượng tái tạo sẽ giúp cho Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để thu hút được các công ty đa quốc gia. Hội đồng GWEC tin tưởng đây là thời điểm phù hợp để đầu tư vào Việt Nam, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để đưa ra giải pháp với một số thách thức mà Chính phủ đang gặp hiện nay. Đó là xây dựng cơ chế chuyển dịch, chuyển sang đấu giá và các quy định rõ ràng, minh bạch giúp phát triển ngành điện gió trên bờ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cũng như thúc đẩy việc chuyển giao năng lượng, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm.
Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, là nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực ASEAN, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo gắn liền với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 55/NQ-TW nêu rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, với mục tiêu nâng tỷ trọng trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt ít nhất 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì rà soát cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, từng bước áp dụng các biện pháp đổi mới công nghệ, thiết bị trong ngành năng lượng và các ngành sử dụng nhiều năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các nhiệm vụ khác để hiện đại hóa ngành năng lượng trong nước.
Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phát biểu
Hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh
Tại sự kiện, các đại biểu cùng thảo luận về những cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo - năng lượng sạch, vai trò của năng lượng tái tạo đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đại diện chính phủ: Na Uy, Anh, Đan Mạch…, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các đơn vị sở hữu công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp đã cung cấp các thông tin mới nhất về bức tranh năng lượng toàn cầu, tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng, cũng như tiềm năng và xu hướng phát triển của ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam và Đông Nam Á trong thời gian tới; thảo luận về những cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo - năng lượng sạch để thúc đẩy sự phát triển của năng lượng gió tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Ông Arne-Kjetil Lian, Tham tán Thương mại Na Uy, Giám đốc Innovation Norway cho biết, phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi công nghệ, điều vốn là thế mạnh của các công ty Na Uy. Sở hữu năng lực đẳng cấp thế giới về đổi mới, công nghệ và các giải pháp công nghiệp quy mô lớn nhằm xúc tiến các phương án mới có tính cạnh tranh mới để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, các công ty Na Uy sẵn sàng hợp tác cùng các đối tác trong nước thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và công nghệ để giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng và thực hiện các cam kết về khí hậu trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris và COP26, đồng thời góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Về vấn đề đề này, bà Trần Thị Hồng Lan cho hay, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong quá trình chuyển dịch điện than sang năng lượng tái tạo, điện gió có vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng tương lai, là chìa khóa để Việt Nam thực hiện mục tiêu đề ra. Nhưng, vấn đề đặt ra không chỉ ở cơ chế, chính sách mà còn ở công nghệ. Công nghệ không chỉ giúp giải quyết bài toán tổng thể từ khâu sản xuất, lắp đặt, vận hành, giám sát, truyền tải, phân phối đến các vấn đề tối ưu hóa hiệu năng, lưu trữ năng lượng kéo dài tuổi thọ của thiết bị hay xử lý tái chế rác thải công nghệ mà còn có khả năng tạo ra những mô hình mới, hướng đi mới cho ngành năng lượng nói riêng và các ngành khác nói chung. Do vậy, các chính sách cần phải hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy các dự án.
Bà Nguyễn Phương Mai, Phó Chánh Văn phòng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, việc thúc đẩy và sử dụng năng lượng tái tạo được coi là một bước đi chiến lược nhằm gia tăng lợi ích kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Việc chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam đang được nghiên cứu để thiết kế với sự đồng bộ bao gồm cả quá trình đầu tư phát triển các dự án nguồn năng lượng tái tạo trong đó có điện gió và sự chuyển dịch hạ tầng lưới điện sang mô hình lưới điện linh hoạt và thông minh hơn trong tương lai.
Phiên thảo luận tại Hội nghị được thiết kế dành cho các lãnh đạo cấp cao cùng nhìn nhận về thách thức hiện tại của sự phát triển năng lượng gió tại Việt Nam và Đông Nam Á; Vai trò của ngành năng lượng gió trong các ngành năng lượng tại Việt Nam; Đâu là những mảnh ghép còn thiếu trong khuôn khổ chính sách và tài chính là cơ hội để năng lượng gió phát huy hết tiềm năng ở Việt Nam.
Phiên thảo luận tại Hội nghị
Theo ông Niels Holst, đại diện Copenhagen Infrastructure Partners, Việt Nam giống Đan Mạch khi đang thực hiện quá trình chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo và sử dụng các công nghệ mới theo xu hướng phát triển xanh. Khả năng vay vốn của các hợp đồng mua bán điện rất quan trọng. Việt Nam đã hết cơ chế giá FIT nên nếu vay vốn ngân hàng để đầu tư vào các dự án với giá trị lên tới cả tỷ USD thì sẽ phải cân đối rất nhiều yếu tố. Những dự án sẽ gặp khó với cơ chế tài chính hiện tại để có thể đi vào vận hành, đạt hiệu quả năng lượng.
Trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, điện gió có vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng tương lai, là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xanh, bền vững đã đề ra.