Sử dụng công cụ đánh giá năng suất phát triển sản xuất thông minh
Việc sử dụng các công cụ đánh giá năng suất để phát triển sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp biết được mình đang ở đâu, cần cải thiện những gì để đạt mục tiêu sản xuất thông minh bền vững.
Sản xuất thông minh đang trở thành xu hướng phát triển toàn cầu. Trong đó, sản xuất thông minh chính là sự kết nối các máy móc, thiết bị; công đoạn sản xuất; và các bộ phận sản xuất bằng công nghệ số, thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết các vấn đề tại công xưởng sản xuất, đối ứng nhanh, linh hoạt với những yêu cầu mới từ thị trường, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Việc sử dụng công cụ đánh giá năng suất giúp doanh nghiệp biết được cần cải thiện gì để đạt được mục tiêu phát triển sản xuất thông minh bền vững. Ảnh minh họa.
Theo một khảo sát sơ bộ về thực trạng và khả năng ứng dụng sản xuất thông minh tại Việt Nam đối với 215 doanh nghiệp tại các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam, qua số liệu khảo sát về nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam đối với tiềm năng của sản xuất thông minh, 77% số người được hỏi đồng ý với quan điểm sản xuất thông minh có vai trò nâng cao chất lượng của các quyết định quản lý doanh nghiệp;
82% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho rằng sản xuất thông minh có vai trò giảm chi phí lao động; Khoảng 83% doanh nghiệp đồng ý với quan điểm sản xuất thông minh có vai trò nâng cao hiệu quả vận hành dây chuyền sản xuất; chỉ 1% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng sản xuất thông minh hoàn toàn không nâng cao hiệu quả vận hành dây chuyền sản xuất;
84% doanh nghiệp đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý với quan điểm sản xuất thông minh có vai trò tăng chất lượng sản phẩm; 85% doanh nghiệp đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý với quan điểm sản xuất thông minh có vai trò tăng năng suất lao động; 80% doanh nghiệp đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý với quan điểm sản xuất thông minh có vai trò giảm thiểu lãng phí nguyên liệu...
Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, việc sử dụng các công cụ đánh giá năng suất để phát triển sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp biết được mình đang ở đâu, cần cải thiện những gì để đạt được mục tiêu sản xuất thông minh bền vững.
Trong đó, điển hình là bộ công cụ đánh giá hoạt động năng suất của doanh nghiệp Việt Nam (VIPA) do Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), Việt Năng suất Việt Nam (VNPI), đại diện Việt Nam tại APO phát triển. Công cụ đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp tự nhận diện thông qua bảng câu hỏi như: phân tích, đánh giá quan điểm của doanh nghiệp về sản xuất thông minh; đánh giá năng lực nhà máy, năng lực tự động hóa nhà máy; đánh giá việc sử dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp, hệ thống quản trị tích hợp... Đặc biệt, công cụ đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp xác định vấn để bản thân và lãnh đạo doanh nghiệp có muốn cải tiến, đổi mới một cách thông minh hay không.
Dựa trên kết quả đánh giá, doanh nghiệp sẽ lập kế hoạch cải tiến dựa trên khía cạnh: tổ chức (phân công người phụ trách, tham gia đào tạo); các khía cạnh quản lý hiệu quả (xác định KPI, thử nghiệm các tiêu chuẩn quốc tế); các khía cạnh kết nối thông tin (xác định dữ liệu đầu vào/đầu ra, kiểm tra các tiêu chuẩn quốc tế...);
Khía cạnh công nghệ thông tin và truyền thông (công nghệ thông tin và truyền thông kiểm tra các yếu tố cần thiết và chức năng của quản lý vòng đời sản phẩm (PLM), quản lý chuỗi cung ứng (SCM), hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), hệ thống thực thi sản xuất (Menter, DeWitt và cộng sự)...
Có thể nói việc đổi mới tư tưởng, thống nhất nhận thức, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng về sản xuất thông minh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nâng cao nhận thức của cấp ủy chính quyền các cấp về yêu cầu cấp thiết phải chủ động, tích cực và tham gia có hiệu quả vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, coi đây là nhiệm vụ sống còn. Gắn mục tiêu, chức năng tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 với mục tiêu, nhiệm vụ ở mọi cấp, mọi ngành để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.