SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tìm ra chất bổ trợ mới mạnh hơn cho vaccine

[13/12/2021 10:01]

Thông thường, chất bổ trợ được tích hợp vào vaccine để kích thích hệ thống miễn dịch phản ứng mạnh hơn. Các nhà nghiên cứu từ MIT, Viện Miễn dịch học La Jolla và các tổ chức khác mới đây đã thiết kế một chất bổ trợ có dạng hạt nano mạnh hơn những chất bổ trợ đang được sử dụng hiện nay.

Các nhà nghiên cứu kỳ vọng vọng có thể tích hợp chất bổ trợ mới vào các vaccine HIV đang thử nghiệm để cải thiện hiệu suất.

Ảnh minh họa

Ý tưởng sử dụng chất bổ trợ để tăng hiệu quả vaccine đã có từ nhiều thập kỷ trước, nhưng đến nay mới có một số ít chất bổ trợ được FDA chấp thuận, chẳng hạn như nhôm hydroxit, một loại muối nhôm gây viêm hoặc nhũ tương dầu và nước sử dụng trong vaccine cúm. Saponin, được chứa trong một hạt nano, tạo thành phức hợp kích thích miễn dịch (ISCOM), cũng là một chất bổ trợ tiềm năng, vì saponin thúc đẩy các phản ứng miễn dịch gây viêm và kích thích sản xuất kháng thể, nhưng chưa rõ cơ chế đằng sau kích thích này. Trong nghiên cứu mới, nhóm MIT và La Jolla muốn tìm hiểu xem chất bổ trợ này phát huy tác dụng của nó như thế nào và liệu có thể làm cho nó hoạt động mạnh hơn hay không.

Họ đã thiết kế một loại tá dược mới tương tự ISCOM, nhưng thêm vào một phân tử gọi là MPLA, là một chất kích thích thụ thể. Khi các phân tử này liên kết với các thụ thể trên các tế bào miễn dịch, chúng sẽ thúc đẩy quá trình viêm. Các nhà nghiên cứu gọi chất bổ trợ mới là SMNP (hạt nano saponin-MPLA).

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm chất bổ trợ bằng cách tiêm nó vào chuột cùng với một số kháng nguyên - các đoạn protein của virus - khác nhau, bao gồm hai kháng nguyên HIV, kháng nguyên bạch hầu và kháng nguyên cúm. Họ so sánh tác dụng kích thích miễn dịch của chất bổ trợ mới với một số chất bổ trợ khác đã được phê duyệt và nhận thấy, SMNP tạo ra phản ứng kháng thể mạnh hơn cả.

Khi vaccine được tiêm vào cánh tay, chúng sẽ đi qua các mạch bạch huyết đến các hạch bạch huyết, nơi chúng gặp và kích hoạt các tế bào B. Chất bổ trợ mới tăng tốc dòng chảy của bạch huyết đến các hạch, giúp kháng nguyên đến đó trước khi nó bắt đầu bị phân hủy.

 

"Việc kháng nguyên nhanh chóng đến các hạch bạch huyết rất hữu ích vì một khi đã tiêm, kháng nguyên bắt đầu bị phá vỡ từ từ," các tác giả cho biết.

Ngoài ra, khi vaccine đến các hạch bạch huyết, chất bổ trợ mới sẽ khiến một lớp tế bào gọi là đại thực bào, hoạt động như một rào cản, chết đi nhanh chóng, giúp kháng nguyên dễ dàng xâm nhập vào các hạch hơn.

Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm cách ứng dụng chất bổ trợ mới này vào các vaccine HIV đang phát triển, vaccine COVID-19 và cả vaccine ung thư, vì chất bổ trợ mới cũng giúp kích thích hoạt động của tế bào T tấn công các khối u.

Nguồn:

https://news.mit.edu/2021/vaccine-immune-nanoparticle-1203

https://www.techexplorist.com/new-nanoparticle-adjuvant-more-powerful-vaccines/42716/

Hoàng Nam tổng hợp

 

 

https://khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ