Thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số
Đây là một trong những nội dung được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 155/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021.
Ảnh minh họa
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương chủ động nghiên cứu và thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; trong đó phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để có các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong các lĩnh vực hải quan, ngân hàng, thuế, chứng khoán, bảo hiểm..
Chỉ đạo kịp thời đấu tranh phản bác, bóc gỡ thông tin xuyên tạc, kích động, sai sự thật, xử lý nghiêm các vi phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, địa phương liên quan chủ động cung cấp thông tin định hướng đúng đắn cho người dân, hạn chế tối đa những thông tin sai sự thật, không có kiểm chứng gây hoang mang dư luận.
Bộ Công an chủ động đấu tranh, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi xuất nhập cảnh trái phép, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chiếm đoạt hàng cứu trợ, tín dụng đen, buôn lậu...; xử lý kịp thời những tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự. Tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, đặc biệt là về biên giới, biển, đảo, vùng trời. Nâng cao năng lực tác chiến không gian mạng. Chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, phương án để tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố môi trường, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... khi có yêu cầu của địa phương.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát, quyết liệt ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng nêu rõ, với nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, hoạt động chuyển đổi số thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực ở cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn tồn tại, hạn chế cần được đẩy mạnh khắc phục trong thời gian tới như xếp hạng về Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc còn thấp, đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN; kinh tế số vẫn còn hạn chế và kết nối giữa các nền tảng chưa đáp ứng yêu cầu; xã hội số còn nhiều vướng mắc; từ nhận thức đến hành động còn có khoảng cách; đầu tư chưa tương xứng; môi trường pháp lý cần hoàn thiện hơn nữa; hưởng thụ về chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, bất cập; một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự coi trọng chương trình chuyển đổi số, nhất là các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu.
Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả thời gian tới, cần thống nhất một số quan điểm chỉ đạo như, chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Cần phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đầu tư thích đáng cho chuyển đổi số, bảo đảm thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên nguyên tắc khoa học, hợp lý, hiệu quả. Thúc đẩy hợp tác công tư dưới sự dẫn dắt của Chính phủ đi đôi với sự năng động, hiệu quả thị trường, xã hội. Gắn kết chặt chẽ giữa kết nối công nghệ với cải cách hành chính, có kế thừa, đổi mới và phát triển. Giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội.
Giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, kịp thời mức độ, hiệu quả của chuyển đổi số để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông đến mọi người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Với tinh thần trên, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tích cực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu số, kết nối đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước; xây dựng, triển khai chương trình phát triển công dân số để tương ứng, hài hòa với các trụ cột về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; tích cực hỗ trợ, hợp tác giữa các địa phương và hợp tác quốc tế sâu rộng để chia sẻ kinh nghiệm triển khai tránh tình trạng cục bộ, thành tích, đặt lợi ích chung lên trên hết, không vì lợi ích của cá nhân, của ngành, lĩnh vực, địa phương nào.
Về chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, thực chất, hiệu quả và phải coi trọng việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong tháng 12/2021; Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước tháng 5/2022.
Cùng với Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện trong tháng 12/2021.
Thúc đẩy triển khai Quyết định 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trước mắt, tập trung trong tháng 12/2021 tổ chức kết nối với cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế để tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân gắn chíp phục vụ tiện ích cho người dân; chuẩn bị nền tảng dữ liệu để tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cung cấp định danh và xác thực điện tử.
Nam Dương