SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chuyển đổi số quốc gia năm 2022: Quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá

[13/12/2021 15:56]

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2022 để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Ảnh: VGP

Đây là nội dung Thông báo 331/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30/11/2021.

Với nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, hoạt động chuyển đổi số thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực ở cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn tồn tại, hạn chế cần được đẩy mạnh khắc phục trong thời gian tới như xếp hạng về Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc còn thấp, đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN; kinh tế số vẫn còn hạn chế và kết nối giữa các nền tảng chưa đáp ứng yêu cầu; xã hội số còn nhiều vướng mắc; từ nhận thức đến hành động còn có khoảng cách; đầu tư chưa tương xứng; môi trường pháp lý cần hoàn thiện hơn nữa; hưởng thụ về chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, bất cập; một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự coi trọng chương trình chuyển đổi số, nhất là các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu.

Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả thời gian tới, cần thống nhất một số quan điểm chỉ đạo như sau: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Cần phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Đầu tư thích đáng cho chuyển đổi số, bảo đảm thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên nguyên tắc khoa học, hợp lý, hiệu quả. Thúc đẩy hợp tác công tư dưới sự dẫn dắt của Chính phủ đi đôi với sự năng động, hiệu quả thị trường, xã hội.

Gắn kết chặt chẽ giữa kết nối công nghệ với cải cách hành chính, có kế thừa, đổi mới và phát triển. Giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội.

Giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, kịp thời mức độ, hiệu quả của chuyển đổi số để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông đến mọi người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số

Với tinh thần trên, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tích cực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu số, kết nối đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước; xây dựng, triển khai chương trình phát triển công dân số để tương ứng, hài hòa với các trụ cột về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; tích cực hỗ trợ, hợp tác giữa các địa phương và hợp tác quốc tế sâu rộng để chia sẻ kinh nghiệm triển khai tránh tình trạng cục bộ, thành tích, đặt lợi ích chung lên trên hết, không vì lợi ích của cá nhân, của ngành, lĩnh vực, địa phương nào.

Về chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, thực chất, hiệu quả và phải coi trọng việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong tháng 12/2021; Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước tháng 5/2022.

Cùng với Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện trong tháng 12/2021.

Thúc đẩy triển khai Quyết định 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trước mắt, tập trung trong tháng 12/2021 tổ chức kết nối với cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế để tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân gắn chíp phục vụ tiện ích cho người dân; chuẩn bị nền tảng dữ liệu để tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cung cấp định danh và xác thực điện tử.

Bảo đảm an toàn thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP và Nghị định thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong chuyển đổi số quốc gia.

Văn phòng Chính phủ tập trung xây dựng, phát triển hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thời gian thực, có các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.

Bộ Tài chính thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số, mục tiêu đến quý IV/2022 đạt 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành Thông tư quy định về phí, lệ phí khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở Đề án thu phí, lệ phí do Bộ Công an đề xuất, hoàn thành trong quý I/2022.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp để phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn, tạo nền móng phát triển giao dịch trực tuyến và kinh tế số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa và đầu tư công.

Bộ Nội vụ thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính và chuyển đổi số, Chính phủ số; hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, để quản lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch, kịp thời tạo nguồn dữ liệu cốt lõi cho phát triển Chính phủ số.

Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển đô thị thông minh theo Đề án 950 về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam; cần có nền tảng cơ sở dữ liệu để quản lý về quy hoạch, kiến trúc.

Thúc đẩy ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân có hiệu quả; phối hợp với Bộ Công an khẩn trương tích hợp dữ liệu tiêm chủng phòng ngừa COVID-19, người nhiễm khỏi bệnh, kết quả xét nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương hình thành cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cho người dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành nhanh nhất có thể cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, môi trường và vấn đề dự báo, cảnh báo về thiên tai. Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, quy chế về giáo dục đào tạo số.

 

Chinhphu.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ