SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam

[17/12/2021 14:49]

Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tài trợ, chiều ngày 13/12/2021, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố Báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang có những diễn biến nhanh. Nhiều công nghệ có đột phá dựa trên nền tảng số hóa, tích hợp với các công nghệ thông minh. Nổi bật là kinh tế số với những chuyển biến lớn, có ảnh hưởng thực tế toàn diện, sâu sắc đối với phương thức tăng trưởng và phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kể từ năm 2020 - dù đã để lại nhiều tác động bất lợi đối với kinh tế thế giới nói chung và gián đoạn chuỗi cung ứng nói riêng, song không làm suy giảm động lực phát triển kinh tế số, thậm chí còn đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi số và quan hệ đối tác về kinh tế số. Theo đó, chuyển đổi số diễn ra nhanh trong hoạt động thương mại như là một xu hướng tất yếu.

Tăng trưởng thương mại của Việt Nam kể từ khi đổi mới đến nay luôn gắn liền với những thành tựu quan trọng của về phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện ở tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo... Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn kể từ năm 2018 (do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại dịch Covid-19...), tăng trưởng xuất khẩu vẫn là một điểm sáng quan trọng. Kết quả này không chỉ giúp tạo tác động lan tỏa tích cực về thu nhập, việc làm, chuỗi cung ứng, mà còn thể hiện nỗ lực thử nghiệm, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam. Chính ở đây, việc nắm bắt những xu hướng, thực tiễn tốt về chuyển đổi số trong thương mại sẽ góp phần tăng cường mức độ đổi mới sáng tạo và sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trong hoạt động thương mại nói riêng.

Báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” tập trung vào: (i) Phân tích xu hướng và kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số hỗ trợ thương mại (Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Trung Quốc, EU, và Singapore); (ii) Rà soát khung pháp lý và tổ chức thực thi, các yêu cầu liên quan, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại gắn với các cam kết về thương mại điện tử trong các FTA thế hệ mới; thực trạng phát triển một số lĩnh vực đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số trong thương mại (hạ tầng số - viễn thông, Fintech, và Logistics); và (iii) Các yêu cầu và lộ trình hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức thực thi nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số hỗ trợ thương mại nói riêng. Một số bài học kinh nghiệm nổi bật như chú trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách liên quan; có cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền trong thúc đẩy chuyển đổi số; tập trung vào những ngành, lĩnh vực có thể đột phá; hạ tầng thông tin (cứng và mềm); tạo thuận lợi và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp; và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh.

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu của Báo cáo Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Báo cáo khẳng định, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau như sở hữu trí tuệ, thuế hải quan, hạ tầng số, thanh toán không dùng tiền mặt và Fintech, logistics... Cách tiếp cận hoàn thiện khung pháp lý và chính sách khá linh hoạt, gắn liền với các cam kết trong các FTA thế hệ mới trong một số lĩnh vực, có cân nhắc góc độ ngành, không gian cho doanh nghiệp trong nước, hợp tác với các đối tác nước ngoài... Việt Nam cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, dù hiệu quả thực tế còn khoảng cách so với yêu cầu đề ra. Đó là chưa kể một loạt các nhiệm vụ đang thực hiện liên quan đến chuẩn bị, xây dựng Luật Giao dịch điện tử và kinh tế số, Luật Chính phủ số, Luật Công nghiệp công nghệ số...

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra định hướng cho giai đoạn tiếp theo, đó là Việt Nam cần một lộ trình hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, gắn với các nội dung theo thứ tự sau: (i) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; (ii) Hoàn thiện chính sách cạnh tranh; (iii) Cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về thuế với nền tảng số gắn với hoạt động thương mại; (iv) Chính sách sở hữu trí tuệ; (v) Phát triển hạ tầng số; (vi) Phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; và (vii) Phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia trực tiếp và hỗ trợ chuyển đổi số trong thương mại.

Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng đã trao đổi về các tồn tại, hạn chế đối với khung pháp lý và chính sách đối với chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, vai trò của nhà nước, khả năng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam, một số biện pháp chính sách cụ thể cần kiến nghị…

VVH

https://vjst.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ