Tìm ra virus liên quan đến bệnh đa xơ cứng
Việc nhiễm virus Epstein-Barr (EBV), một loại virus herpes lây nhiễm cho hầu hết mọi người ở tuổi vị thành niên và sau đó tiềm ẩn trong tế bào B suốt đời, làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển căn chứng đa xơ cứng ở người.
Một nghiên cứu mới liên kết bệnh đa xơ cứng với virus Epstein-Barr (chấm màu tím trong ảnh, đi ra từ tế bào B).
150 năm sau khi một nhà thần kinh học người Pháp lần đầu ghi nhận một trường hợp mắc chứng đa xơ cứng (Multiple Sclerosis - MS) ở một phụ nữ trẻ bị co giật bất thường, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác của căn bệnh quái ác này.
Giờ đây, một nghiên cứu tổng hợp dữ liệu từ các xét nghiệm máu định kỳ của 10 triệu binh sĩ Mỹ đã tìm ra bằng chứng cho thấy việc nhiễm một loại virus phổ biến, virus Epstein-Barr (EBV), làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển căn chứng đa xơ cứng.
Chứng đa xơ cứng phát triển khi các tế bào miễn dịch bị rối loạn và tấn công các vỏ myelin có tác dụng bảo vệ các sợi thần kinh trong tủy sống và não. Sợi thần kinh bị tổn thương kéo theo các vấn đề về thị lực, đau, yếu và tê thỉnh thoảng xuất hiện, và trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Hiện không có thuốc chữa chứng đa xơ cứng, các bác sĩ chỉ có thể truyền các kháng thể làm suy giảm tế bào B, một loại tế bào bạch cầu, để hạn chế bệnh tái phát.
Sau nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã thu hẹp phạm vi các nguyên nhân có thể gây ra bệnh: di truyền (căn bệnh này thường xảy ra trong gia đình) và các tác nhân gây bệnh từ môi trường như virus. EBV, một loại virus herpes lây nhiễm cho hầu hết mọi người ở tuổi vị thành niên và sau đó tiềm ẩn trong tế bào B suốt đời, từ lâu đã là một nghi phạm chính. Những người từng bị bệnh bạch cầu đơn nhân, bệnh do EBV gây ra, có nguy cơ mắc chứng đa xơ cứngcao hơn. 99% bệnh nhân đa xơ cứngđã từng bị nhiễm EBV. Nhưng vấn đề là 95% những người không mắc chứng đa xơ cứngcũng từng bị nhiễm EBV, do đó rất khó xác định mối liên hệ giữa virus này với chứng đa xơ cứng.
Lý tưởng nhất, các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi một nhóm thanh niên chưa bị nhiễm EBV để xem liệu những người nhiễm EBV về sau có nguy cơ phát triển chứng đa xơ cứng cao hơn không. Một nhóm do bác sĩ và nhà dịch tễ học Alberto Ascherio tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan đã kiểm tra cơ sở dữ liệu hồ sơ y tế của 10 triệu quân nhân Mỹ, tại ngũ từ năm 1993 đến năm 2013, nhóm này được lấy mẫu máu mỗi năm để xét nghiệm HIV.
955 binh sĩ đã phát triển chứng đa xơ cứng, nhưng trong số này chỉ có mẫu máu của 801 người. Trong 801 người, 35 người âm tính với EBV trong lần xét nghiệm máu đầu tiên. 34/35 người này trở nên dương tính với EBV trong thời gian nghiên cứu, và phát triển chứng đa xơ cứng trung bình 5 năm sau khi dương tính với EBV.
Trong khi đó, chỉ một nửa trong số 107 binh sĩ không phát triển chứng đa xơ cứng (nhóm này được chọn ngẫu nhiên để làm đối chứng với nhóm phát triển chứng đa xơ cứng) trở nên dương tính với EBV trong cùng khoảng thời gian. Từ đó cho thấy dương tính với EBV làm tăng nguy cơ mắc chứng đa xơ cứng gấp 32 lần, tương đương với mức tăng nguy cơ mắc ung thư phổi do hút thuốc, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science.
Nhóm Ascherio đã thực hiện các phân tích tương tự đối với các loại virus phổ biến khác, và không tìm thấy mối tương quan nào như đối với EBV. Để khẳng định thêm kết quả, nhóm đã chỉ ra rằng những quân nhân phát triển chứng đa xơ cứng có nồng độ của một protein liên quan đến suy thoái thần kinh gia tăng, sau khi họ bị nhiễm EBV. Ascherio tin chắc nhóm đã chỉ ra mối liên hệ giữa EBV và chứng đa xơ cứng. “Không có cách nào khác để giải thích cho việc binh sĩ không phát triển chứng đa xơ cứng trừ khi đã nhiễm EBV," Ascherio nói.
Tuy nhiên những nhà nghiên cứu khác vẫn tỏ ra thận trọng. Bằng chứng mới "rất thú vị, nhưng vẫn chỉ là mối tương quan,” theo Jeffrey Cohen, nhà virus học tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ. Và nghiên cứu mới chưa giải thích được tại sao hầu hết những người mắc EBV không phát triển chứng đa xơ cứng, theo nhà thần kinh học Emmanuelle Waubant ở Đại học California, San Francisco.
Ngoài ra, một lỗ hổng khác là các nhà khoa học chưa biết cơ chế tấn công của EBV. Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng EBV làm hỏng tế bào B; những người khác, bao gồm Steinman, thì cho rằng protein của EBV giống với protein thần kinh và do đó hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các dây thần kinh.
Nếu muốn chứng minh quan hệ nhân quả giữa EBV và chứng đa xơ cứng, các nhà nghiên cứu có thể tiêm vaccine EBV cho một nhóm lớn những người trẻ tuổi có nguy cơ cao mắc chứng đa xơ cứngvì tiền sử gia đình, và theo dõi sự chênh lệch nguy cơ phát triển chứng đa xơ cứngvới nhóm không tiêm vaccine. Nhà thần kinh học Gavin Giovannoni ở Đại học Queen Mary London, người đang làm việc với cộng đồng bệnh nhân chứng đa xơ cứng để thiết kế một thử nghiệm như vậy cho biết kết quả này sẽ là mảnh ghép cuối cùng.
Vài năm trước, GlaxoSmithKline đã phát triển một loại vaccine EBV nhưng đã từ bỏ sau khi một thử nghiệm cho thấy vaccine không ngăn được nhiễm trùng EBV. Hai loại vaccine mới đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng có thể khả quan hơn. Một loại do Cohen phát triển dựa trên protein EBV và công nghệ hạt nano, một loại khác do Moderna phát triển chứa RNA thông tin hướng dẫn các tế bào tạo ra bốn loại protein EBV khác nhau.
Chuyên gia về vaccine Larry Corey của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson cảnh báo rằng không có gì đảm bảo rằng các hãng sẽ dành công sức để đưa vaccine EBV qua hàng rào cấp phép. Tuy nhiên, bằng chứng mới cho thấy tương quan giữa EBV và MS làm cho vaccine EBV trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn hơn nhiều, Corey nói.
Hoàng Phương tổng hợp