Nghiên cứu đánh giá độ phong phú, tương đồng của loài ve sầu (Hemiptera: Cicadidae) ở khu vực Tây Bắc
Nghiên cứu do các tác giả Lưu Hoàng Yến, Bùi Thu Quỳnh - Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam, FIPI, tác giả Phạm Hồng Thái - Học viện Khoa học và Công nghệ, VAST thực hiện nhằm đánh giá độ phong phú, tương đồng của loài ve sầu (Hemiptera: Cicadidae) ở khu vực Tây Bắc.

Côn trùng là nhóm sinh vật có vai trò rất lớn trong tự nhiên cũng như đời sống con người, chúng là nhóm động vật đa dạng nhất hành tinh, ước lượng có khoảng 30-80 triệu loài, chiếm hơn một nửa số loài hiện biết trên trái đất. Hiện nay, đã có hơn 1 triệu loài côn trùng được mô tả trên trái đất, trong đó bộ cánh nửa (Hemiptera) có số lượng loài tương đối lớn. Họ Cicadidae, tên Việt Nam là họ ve sầu, là một họ côn trùng thuộc bộ cánh nửa (Hepmiptera) rất phổ biển ở Việt Nam.
Sự biến động thành phần loài thuộc họ Cicadidae theo thời gian có thể được sử dụng làm yếu tố chỉ thị cho sự biến động môi trường sống ở các hệ sinh thái. Bên cạnh đó, họ này còn có nhiều loài được sử dụng trong y học cổ truyền. Nhờ các đặc điểm đó, nhiều nhà khoa học đã lựa chọn họ Cicadidae làm sinh vật chỉ thị cho tài nguyên rừng ở một hệ sinh thái nhất định.
Ở Việt Nam nói chung, vùng núi Tây Bắc nói riêng, các nghiên cứu về thành phần loài và đặc trưng phân bố của các loài thuộc họ Cicadidae thường được thực hiện riêng lẻ ở một số Vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoặc thiên về phân loại học, tìm kiếm, phát hiện và công bố loài mới. Tuy nhiên cho đến nay, ở vùng núi Tây Bắc vẫn chưa có nghiên cứu tổng thể về đánh giá đa dạng sinh học của các loài ve sầu thuộc họ Cicadidae. Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá sự đa dạng, tương đồng của loài ve sầu ở vùng núi Tây Bắc, Việt Nam.
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 5/2015 đến tháng 12/2020 với đối tượng là những loài ve sầu (họ Cicadidae), phân bộ ve-rầy (Auchenorrhyncha), bộ cánh nửa (Hemiptera).Điều tra, thu thập mẫu vật bổ sung tại một số điểm ở khu vực Tây Bắc như: Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai), khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (Điện Biên), Ngổ Luông - Ngọc Sơn (Hòa Bình); Thượng Tiến (Hòa Bình), Mường Tè (Lai Châu). Mỗi khu vực chọn 3 hệ sinh thái đại diện là rừng già, rừng phục hồi tự nhiên và rừng phục hồi nhân tạo.
Trong nghiên cứu này, các tác giả đã thu thập, sử dụng các chỉ số đa dạng sinh học để tính toán các chỉ số đa dạng sinh học của họ ve sầu vùng Tây Bắc. Kết quả cho thấy, loài ve sầu trong họ Cicadidae có sự đa dạng cao nhất ở hệ sinh thái, rừng già, giảm dần khi sang hệ sinh thái rừng phục hồi tự nhiên và thấp nhất ở hệ sinh thái rừng phục hồi nhân tạo. Thành phần loài họ Cicadidae ở đai độ cao trên 1.000 m đa dạng hơn đai độ cao dưới 1.000 m (sự khác nhau có ý nghĩa thống kê). Ở đai độ cao trên 1.600 m, thành phần loài ít, nhưng lại là những loài đặc hữu của vùng Tây Bắc, Việt Nam.
nthang
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tập 64 - Tháng 1/2022