‘Nhãn điện tử không thay thế cho nhãn hàng hóa vật lý’
Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại Hội thảo “Góp ý dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử”.
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa. Ảnh: Ngọc Xen.
Ngày 19/4/2022, tại Hà Nội, Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam (VINASTAQ) phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa) tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử”.
Tham dự hội nghị, về phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa. Về phía Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam có ông Trần Văn Học, Phó chủ tịch Hội cùng các chuyên gia, thành viên liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa cho biết, ghi nhãn bằng phương thức điện tử là thông tin được hiển thị qua phương tiện điện tử kết nối với hàng hóa theo chỉ dẫn cụ thể trên nhãn. Lý do ban hành Thông tư xuất phát từ việc nhiều nội dung trên nhãn hàng hóa không thể truyền tải hết theo phương thức truyền thống, việc sử dụng nhãn điện tử sẽ truyền tải thông tin đầy đủ, tiện lợi hơn.
Theo đó, Thông tư quy định các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất mỗi loại hàng hóa có thể thể hiện bằng phương thức điện tử quy định tại điểm d khoản 1 điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021.
Đối tượng áp dụng của Thông tư là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam, tổ chức cá nhân nhập khẩu hàng hóa có thể hiện nội dung ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử, cơ quan nhà nước và tổ chức cá nhân có liên quan.
Nội dung ghi nhãn điện tử được thể hiện bằng một hoặc nhiều phương thức sau: Thể hiện trên website có chỉ dẫn cụ thể thông tin đường dẫn gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa; Thể hiện trên website, mã quét, mã QR, mã số, mã vạch có gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa.
Vị trí thể hiện ghi nhãn bằng phương thức điện tử phải được gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa, có thể đọc được dễ dàng bằng mắt thường và thiết bị phù hợp. Ngôn ngữ trình bày nội dung ghi nhãn bằng phương thức điện tử thực hiện theo quy định tại điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.
Toàn cảnh hội thảo "Góp ý dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử”. Ảnh: Ngọc Xen.
Liên quan đến một số nội dung bắt buộc theo tính chất của một số nhóm hàng hóa được thể hiện bằng phương thức điện tử, dự thảo nêu rõ: “Một số nội dung tại điểm d khoản 1 điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP được lựa chọn thể hiện bằng phương thức điện tử thay cho ghi nhãn gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa, ghi trong tài liệu kèm theo, trừ các nội dung: ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, thông tin cảnh báo thì không được chỉ thể hiện bằng phương thức điện tử.
Các nội dung bắt buộc khác đã thể hiện trực tiếp trên nhãn hàng hóa đúng theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP có thể được thể hiện thêm hình thức ghi nhãn bằng phương thức điện tử. Nội dung thể hiện trực tiếp trên nhãn hàng hóa phải tương ứng với nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử, không được sai lệch nội dung, bản chất của hàng hóa”.
Giải thích rõ hơn về vấn đề trên, ông Trần Quốc Tuấn khẳng định: “Nhãn điện tử không thay thế cho nhãn vật lý bình thường”, bởi những thông tin cơ bản vẫn cần thiết thể hiện trên nhãn vật lý như ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, thông tin cảnh báo. Tuy nhiên doanh nghiệp có thể đồng thời ghi các thông tin cơ bản nêu trên trên nhãn điện tử.
Kết cấu của Thông tư gồm 3 Chương, 10 Điều, trong đó, Chương 1- Những quy định chung; Chương 2 - Những quy định về phương thức và nội dung ghi nhãn điện tử; Chương 3 - Điều khoản thi hành.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân sử dụng ghi nhãn bằng phương thức điện tử cần đảm bảo các phương thức điện tử được sử dụng như đường dẫn website, mã quét, mã QR là trung thực, chính xác, phải tra cứu được.
Website chứa thông tin ghi nhãn phải được duy trì đầy đủ thông tin cho đến hết thời hạn sử dụng của sản phẩm. Trường hợp thông tin ghi nhãn được sửa đổi, cập nhật thì phải được thể hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung liên quan (thời gian, nội dung thay đổi).
Trường hợp có thay đổi nội dung ghi nhãn hàng hóa thì phải cập nhật thông tin trên đường dẫn website hiện hành, doanh nghiệp phải lưu hồ sơ về việc thay đổi nội dung ghi nhãn hàng hóa, cung cấp cho cơ quan quản lý khi có yêu cầu. Trường hợp sử dụng mã số mã vạch thì phải được kết nối từ cơ sở dữ liệu mã số mã vạch quốc gia, quốc tế.
Thanh Tùng