Tác động của các vấn đề răng miệng lên sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân 12-17 tuổi có mang mắc cài chỉnh nha
Nghiên cứu do đồng tác giả Đồng Thị Kim Uyên - Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Hoàng Trọng Hùng - Bộ môn Nha Khoa Công Cộng, Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh minh họa
Các bệnh nhân mang mắc cài chỉnh nha thường gặp cản trở trong vệ sinh răng miệng cũng như một số vấn đề răng miệng khác. Điều này có thể tác động lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá tác động các vấn đề răng miệng lên sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân 12-17 tuổi có mang mắc cài chỉnh nha tại phòng khám điều trị Chỉnh Hình Răng Mặt.
Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên bệnh nhân 12-17 tuổi có mang mắc cài chỉnh nha. Chỉ số Child-OIDP được áp dụng để thu thập dữ liệu liên quan đến tác động của các vấn đề răng miệng lên 8 sinh hoạt hàng ngày của trẻ (ăn, nói, ngủ/nghỉ ngơi, vệ sinh răng miệng, cười, tinh thần, học tập và giao tiếp). Các cá thể nghiên cứu sẽ được phỏng vấn trực tiếp tại ghế nha để ghi nhận chỉ số này.
Kết quả nghiên cứu bao gồm 83 bệnh nhân (25 nam, 58 nữ). Tỷ lệ bệnh nhân 12-17 tuổi mang mắc cài chỉnh nha gặp phải ít nhất một vấn đề răng miệng trong ba tháng trước nghiên cứu là 83,1%, trong đó, vấn đề phổ biến nhất là vướng các khí cụ chỉnh nha (55,4%). 96,4% bệnh nhân chỉnh nha bị tác động của vấn đề răng miệng lên sinh hoạt hàng ngày, trong đó có 46,3% tác động ở mức nặng và rất nặng. Điểm Child-OIDP trung bình của nhóm cá thể này là 10,37±7,73. Bệnh nhân 12-17 tuổi mang mắc cài chỉnh nha bị ảnh hưởng của các vấn đề răng miệng lên sinh hoạt hàng ngày khá trầm trọng cho thấy quá trình điều trị chỉnh hình có tác động nhất định lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
dtphong
Tạp chí Y dược học TP.HCM, năm 2022, tập 26, số 2