Ra mắt mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL
Mạng lưới tập hợp doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tiên của Việt Nam ra mắt. Đây là mạng lưới hoạt động phi lợi nhuận, vì cộng đồng và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Các thành viên trong ban điều hành Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL ra mắt sáng 6-5 - Ảnh: Chí Quốc
Tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức ra mắt Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ - cho biết đây là mạng lưới đầu tiên của cả nước tập hợp các doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động về nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; đại diện cho các cộng đồng doanh nghiệp tham gia trong việc tham mưu chính sách. Mạng lưới hoạt động phi lợi nhuận, vì cộng đồng và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Theo ông Lam, hiện tại mạng lưới này đã có sự tham gia của 39 thành viên, là những doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long có trách nhiệm cộng đồng cao, có tinh thần hoạt động xã hội, đặc biệt là sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng khi tham gia mạng lưới.
"Chúng tôi kỳ vọng mạng lưới này không chỉ là những sáng kiến, là nơi trao đổi kinh nghiệm mà còn tham mưu cho Chính phủ trong việc thiết lập chính sách và xa hơn nữa, đây là mạng lưới của những doanh nghiệp dẫn đầu, những doanh nghiệp có trách nhiệm cộng đồng, những doanh nghiệp đóng góp lớn cho sự phát triển chung của quốc gia và sẽ có những mô hình nhân rộng không chỉ trong nước mà có thể vươn ra thế giới", ông Lam nói.
Trong ảnh là một dòng sông ở tỉnh Tiền Giang cạn khô vì hạn. Ảnh: Trung Chánh
Thông tin từ VCCI tại Cần Thơ cho biết, ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mà cụ thể trong những năm gần đây, hạn và xâm nhập mặn ở khu vực này đang ở mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu nông nghiệp và ảnh hướng rất lớn đến hoạt động sản xuất trong khu vực.
Chẳng hạn, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong mùa khô năm 2019-2020, hạn mặn đã làm khoảng 16.500 héc ta diện tích lúa – tôm ở Cà Mau bị thiệt hại, trong đó, có khoảng 14.000 héc ta bị mất trắng; hạn mặn cũng gây thiệt hại khoảng 41.900 héc ta diện tích lúa đông xuân 2019-2020 ở ĐBSCL, trong đó có khoảng 26.000 héc ta mất trắng.
Đối với cây ăn trái, mùa khô 2019-2020, có đến khoảng 6.650 héc ta diện tích bị ảnh hưởng do hạn mặn, trong đó có khoảng 355 héc ta mất trắng và hàng ngàn héc ta rau màu cùng hơn 8.715 héc ta nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng.
Hạn mặn trong mùa khô 2019-2020 cũng khiến 96.000 hộ dân (khoảng 430.000 nhân khẩu) bị thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Biến đổi khí hậu là cơ hội
Ông Michael R. Digregorio, Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp không chỉ chịu tác động tiêu cực từ BĐKH mà cũng là tác nhân góp phần dẫn tới nhiều vấn đề về môi trường. Chính vì vậy, vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong giảm thiểu tác động của BĐKH càng phải được thể hiện.
Trong khi đó, ông Đinh Diệp Anh Tuấn, Viện nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ), thông tin qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy BĐKH đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ĐBSCL. Cụ thể là giúp doanh nghiệp tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất kinh dịch vụ; tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới; phát triển thị trường mới; xây dựng thương hiệu.
Ao tôm ứng dụng công nghệ, giàu ô xy, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu của Mỹ Lan Group tại Trà Vinh
Nhấn mạnh yếu tố cơ hội cho doanh nghiệp trong liên kết, thích ứng với BĐKH, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Mỹ Lan Group (Trà Vinh), cho rằng những quan tâm từ Chính phủ và định hướng phát triển “thuận thiên”, ứng phó với BĐKH đã tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp nếu biết tận dụng.
Ông Mỹ lấy ví dụ như Nghị quyết 120 của Chính phủ xem thủy sản là ưu tiên số một ở ĐBSCL, mở ra cơ hội lớn cho ngành nuôi tôm. Đặc biệt là Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 với mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỉ USD. Với giá trị xuất khẩu hiện mới đạt gần 4 tỉ USD cho thấy dư địa để ngành tôm ĐBSCL phát triển là rất lớn. “Có thể nói qua rồi thời đắp đê bao ngăn mặn để trồng lúa, thay vào đó, nước mặn tới đâu có thể nuôi tôm tới đó. Một ký tôm giá trị bằng vài chục ký lúa”, ông Mỹ nói.
Cũng theo ông Mỹ, BĐKH là cơ hội cho doanh nghiệp ĐBSCL nhưng để phát huy được rất cần phải có một mạng lưới liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Trước tiên là hỗ trợ doanh nghiệp trong mạng lưới thích ứng và phát triển bền vững. Tiếp đến là nhân rộng ra cộng đồng, góp phần đưa ĐBSCL phát triển bền vững, giàu có hơn.
Hiện tại, Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL có 39 thành viên là doanh nghiệp trong lĩnh vực: nghiên cứu, khoa học, sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo, trái cây, các dịch vụ công nghệ thích ứng, logistics…
Ngọc Mai