Nguy cơ nắng nóng cực đoan ở Ấn Độ và Pakistan tăng 30 lần do biến đổi khí hậu
Nhiệt độ ở Ấn Độ và Pakistan năm nay bắt đầu tăng từ tháng 3, sớm hơn bình thường, sau đó tăng lên mức kỷ lục. Đến nay, đợt nắng nóng cực đoan này đã cướp đi sinh mạng của 90 người ở cả 2 nước và chưa có dấu hiệu suy giảm.
70% các vùng của Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng kỷ lục trong năm nay.
“Nhiệt độ cao là hiện tượng phổ biến ở Ấn Độ và Pakistan, nhưng lần này điều bất thường là đợt nóng bắt đầu quá sớm và kéo dài quá lâu," nhà khoa học khí hậu Krishna AchutaRao tại Viện Công nghệ Ấn Độ ở New Delhi, cho biết.
Krishna AchutaRao là đồng tác giả của phân tích mới đây nhằm xác định vai trò của biến đổi khí hậu trong đợt nắng nóng khắc nghiệt đang diễn ra. Theo đó, nhóm các nhà nghiên cứu toàn cầu thuộc Sáng kiến Ghi nhận Thời tiết Thế giới (WWA) đã sử dụng nhiệt độ tối đa trung bình hằng ngày ở vùng tây bắc Ấn Độ và đông nam Pakistan trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4/2022 để xác định đặc điểm của đợt nóng. Sau đó, họ so sánh khả năng xảy ra đợt nóng này trong khí hậu ngày nay với khả năng xảy ra đợt nóng tương đương trong khí hậu của thời kỳ tiền công nghiệp.
Kết quả, trong thời kỳ tiền công nghiệp, xác suất xảy ra đợt nóng tương đương là 3.000 năm 1 lần, và hiện nay biến đổi khí hậu làm tăng xác suất xảy ra đợt nóng lên mức 100 năm 1 lần. Có nghĩa là khả năng xảy ra đợt nóng đã tăng 30 lần. Đợt nóng đang diễn ra cũng nóng hơn 1ºC so với đợt nóng có các đặc điểm tương tự nếu nó xảy ra ở thời tiền công nghiệp.
Ở Ấn Độ, nhiệt độ tháng 3/2022 có những lúc lên đến 44ºC, cao nhất từng ghi nhận được trong 122 năm trở lại đây và cao hơn trung bình cùng kỳ các năm trước từ 3 đến 8ºC. Pakistan báo cáo nhiệt độ vượt quá 49ºC ở một số khu vực. Đặc biệt, nắng nóng đi kèm với lượng mưa giảm: lượng mưa ở Pakistan giảm 62% so với mức trung bình của tháng 3 và ở Ấn Độ giảm 71%. Tuy việc thiếu mưa làm tăng sức tỏa nhiệt của mặt đất, nhưng cũng làm giảm độ ẩm của sóng nhiệt và do đó giảm tác động đến sức khỏe.
Nắng nóng khắc nghiệt tác động tàn khốc nhất đến những người làm việc ngoài trời - chẳng hạn như nông dân, công nhân xây dựng và người bán hàng rong. Ấn Độ đã báo cáo sự sụt giảm 10–35% năng suất cây trồng ở một số vùng. Đáng chú ý, sản lượng lúa mì giảm đủ thấp để buộc nước này phải hủy bỏ kế hoạch tăng cường xuất khẩu lúa mì để bù đắp nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine.
Hoàng Nam tổng hợp