SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực tới giấc ngủ mỗi đêm của người dân trên toàn cầu

[25/05/2022 09:55]

Các nhà nghiên cứu tại Đan Mạch cho biết, biến đổi khí hậu làm người dân trên toàn cầu bị thiếu ngủ mỗi đêm.

Biến đổi khí hậu làm người dân trên toàn cầu thiếu ngủ. Ảnh minh họa

Mới đây nhóm chuyên gia tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí One Earth cho thấy tác động tiêu cực do nhiệt độ tăng lên đối với sức khỏe của chúng ta, trong đó có việc rút ngắn giấc ngủ. Đáng chú ý, người ngủ ở môi trường trên 30 độ C sẽ bị giảm 14 phút so với người khác.

Tác giả chính Kelton Minor của Đại học Copenhagen cho biết nhiệt độ của cơ thể cần giảm xuống để bước vào cơn buồn ngủ. Và điều này sẽ khó đạt được trong bối cảnh môi trường xung quanh ngày càng nóng lên.

Theo nghiên cứu, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng cao, mỗi người trên thế giới bị cắt bớt từ 50 – 58 giờ ngủ mỗi năm vào cuối thế kỷ này. Nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị mất ngủ do nắng nóng là người già, phụ nữ và người dân ở các nước có thu nhập thấp, cũng như tại các vùng khí hậu nóng bức hơn.

Những người không có điều hòa không khí hoặc các thiết bị khác để kiểm soát nhiệt độ gia tăng tại nơi ở sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khắc sâu hơn nữa vào sự bất bình đẳng do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn cầu.

Ngủ là một hoạt động quan trọng tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần của một người. Giấc ngủ giúp hỗ trợ một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, đảm bảo khả năng nhận thức, sự chú ý và hành vi hay tâm trạng. Trong khi đó, thiếu ngủ sẽ làm suy giảm sức khỏe tinh thần và thể chất của một người, gây các vấn đề về tim mạch, trầm cảm, tức giận và thậm chí có thể dẫn đến tử vong sớm. Các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến mất ngủ sẽ khiến một người bị ảo giác hoặc dễ bị suy nghĩ lệch lạc.

Theo Cơ quan Quản lý An toàn Đường cao tốc Quốc gia Mỹ, ngủ gật là nguyên nhân đằng sau ít nhất 100.000 vụ tai nạn, khiến 71.000 người bị thương và 1.550 người tử vong mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nhiệt độ ban đêm ấm hơn có tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của một người thông qua việc theo dõi 7 triệu hồ sơ về giấc ngủ của hơn 47.000 người trưởng thành ở 68 quốc gia.

Liên quan tới biến đổi khí hậu, mới đây Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo quan trọng về khí hậu, cảnh báo nhân loại chỉ có chưa đến 3 năm để cắt giảm khí thải, qua đó đảo ngược tác động của biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Trong báo cáo, IPCC cho rằng lượng khí thải trên toàn cầu sẽ cần phải đạt đỉnh vào năm 2025 và sau đó giảm mạnh để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Người đứng đầu IPCC, Hoesung Lee, nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở ngã ba đường. Các quyết định mà chúng ta đưa ra ở thời điểm hiện tại có thể đảm bảo sự sống cho tương lai".

IPCC kêu gọi thế giới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng than đá và cắt giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt ở mức lần lượt 60% và 70%. Theo IPCC, việc khai thác những cơ sở hạ tầng liên quan đến nhiên liệu hóa thạch hiện tại đến hết thời hạn sử dụng dự kiến mà không thu giữ khí thải carbon sẽ khiến thế giới không thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Các chuyên gia IPCC cũng cho rằng những cam kết của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là không đủ để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Do đó, mức mục tiêu 2 độ C có thể sẽ là một thách thức. Với những yếu tố không chắc chắn về mức độ thực hiện cam kết ở thời điểm hiện nay, ủy ban này dự báo nhiệt độ Trái đất có thể sẽ tăng mạnh ở mức 3,2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Trong báo cáo, IPCC cho biết 10% số hộ gia đình có mức thu nhập cao nhất thế giới tạo ra 36-45% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

IPCC khuyến nghị một số biện pháp có thể giúp giảm 40-70% lượng phát thải carbon vào năm 2050, như cắt giảm các chuyến bay đường dài, thúc đẩy chế độ ăn dựa trên thực vật, xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, cắt giảm nhu cầu năng lượng.

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ