Độc tố môi trường đang làm trầm trọng thêm đại dịch béo phì
Theo một đánh giá khoa học lớn, ô nhiễm hóa chất trong môi trường đang thúc đẩy đại dịch béo phì toàn cầu.
Hình minh họa. Nguồn:Jonathan Brady/PA
Ý tưởng cho rằng các chất độc được gọi là “obesogens” có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể kiểm soát cân nặng vẫn chưa phải là một phần của y học chính thống. Tuy nhiên, hàng chục nhà khoa học đứng sau cuộc đánh giá mới lại cho rằng bằng chứng hiện nay rất mạnh mẽ.
Một số tác động hóa học làm tăng trọng lượng có thể được di truyền qua nhiều thế hệ bằng cách thay đổi cách thức hoạt động của gen. Các chất gây ô nhiễm được nhóm nghiên cứu cho rằng làm gia tăng tình trạng béo phì bao gồm bisphenol A (BPA), chất phụ gia thường được thêm vào nhựa, cũng như một số loại thuốc trừ sâu, chất chống cháy và ô nhiễm không khí.
Tình trạng béo phì trên toàn cầu đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1975, với số người béo phì hoặc thừa cân nhiều hơn là thiếu cân và đang gia tăng ở mọi quốc gia được nghiên cứu. Gần 2 tỷ người lớn hiện thừa cân và 40 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị béo phì hoặc thừa cân.
Tiến sĩ Jerrold Heindel, tác giả chính của một trong ba bài báo đánh giá và trước đây thuộc Viện Quốc gia Khoa học sức khỏe môi trường Mỹ, cho biết: “Trọng tâm của những người làm lâm sàng là calo - nếu bạn ăn nhiều calo hơn, bạn sẽ béo hơn. Vì vậy, họ đợi cho đến khi bạn béo phì, sau đó họ sẽ xem xét việc cung cấp cho bạn chế độ ăn kiêng, thuốc hoặc phẫu thuật."
Ông nói: “Nếu điều đó thực sự hiệu quả, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ béo phì giảm xuống. Nhưng không - bệnh béo phì tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em. Câu hỏi thực sự là, tại sao mọi người ăn nhiều hơn? Mô hình obesogenic tập trung vào điều đó và cung cấp dữ liệu chỉ ra rằng những hóa chất này có thể là nguyên nhân."
Hơn nữa, các nhà khoa học cho biết, phương pháp này mang lại tiềm năng ngăn ngừa béo phì bằng cách tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh: "Phòng ngừa giúp hạn chế bép phí, đồng thời chi phí thấp hơn nhiều so với bất kỳ [điều trị] nào."
Bằng chứng về obesogens được đưa ra bởi hơn 40 nhà khoa học trong ba bài báo đánh giá, được công bố trên tạp chí Biochemical Pharmacology được bình duyệt. Họ nói rằng những hóa chất này có ở khắp mọi nơi: trong nước và bụi, bao bì thực phẩm, sản phẩm vệ sinh cá nhân và chất tẩy rửa gia dụng, đồ nội thất và điện tử.
Đánh giá xác định khoảng 50 hóa chất có bằng chứng có tác dụng gây béo phì, từ các thí nghiệm trên tế bào người và động vật cũng như các nghiên cứu dịch tễ học ở người. Chúng bao gồm BPA và phthalates, cũng là một chất phụ gia nhựa. Một phân tích năm 2020 đã tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa mức BPA và tình trạng béo phì ở người lớn.
Các obesogens khác là thuốc trừ sâu, bao gồm DDT và Tributyltin, chất chống cháy cũ và chất thay thế mới hơn của chúng, dioxin và PCB, và ô nhiễm không khí. Một số nghiên cứu gần đây liên kết việc tiếp xúc với không khí bẩn trong giai đoạn đầu đời với bệnh béo phì.
Bài đánh giá cũng đặt tên cho các hợp chất PFAS - được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” do tuổi thọ của chúng trong môi trường - là obesogens. Chúng được tìm thấy trong bao bì thực phẩm, đồ nấu nướng và đồ nội thất, bao gồm cả một số ghế ô tô trẻ em. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên kéo dài hai năm được công bố vào năm 2018 cho thấy những người có mức PFAS cao nhất tăng cân nhiều hơn sau khi ăn kiêng, đặc biệt là phụ nữ.
Một số thuốc chống trầm cảm cũng được biết đến là nguyên nhân gây tăng cân. Heindel nói: “Đó là một bằng chứng cho thấy rằng các hóa chất có thể có tác dụng phụ cản trở quá trình trao đổi chất của bạn. Các hóa chất khác có thể là obesogens bao gồm một số chất làm ngọt nhân tạo và triclosan, một chất kháng khuẩn bị cấm sử dụng ở một số nước ở Mỹ vào năm 2017."
Công Nhất