Mã số vùng trồng - mở ‘cánh cửa’ giúp nông sản Việt vươn xa
Những năm qua, việc cấp mã số vùng trồng cho vùng sản xuất được xem là chìa khóa mở "cánh cửa" cho nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
ok
Mã số vùng trồng - mở "cánh cửa" giúp nông sản Việt vươn xa. Ảnh minh họa.
Theo đó, mã số vùng trồng hiểu đơn giản là chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó (tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số).
Hiện, cả nước đã có trên 4.000 mã số vùng trồng với trên 300.000 ha cho các loại hoa quả chính như: chuối, thanh long, nhãn, mít, xoài, chôm chôm… Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 1.500 mã, chiếm trên 39%.
Song song với đó là việc xây dựng mã số đóng gói. Đến nay, các cơ quan chức năng đã cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… trên 37 tỉnh, thành phố. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long được cấp 932 mã, chiếm 50%.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, tỉ lệ diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng chưa cao, mới chỉ tập trung ở một số cây ăn quả chủ lực. Đáng chú ý, công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm duy trì đầy đủ yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu.
Tình trạng mạo danh mã số và vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm hay phòng chống Covid-19 của vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn tồn tại khiến nước nhập khẩu phải cảnh báo hoặc dừng nhập khẩu.
Để việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khâu xuất khẩu.
Cục Bảo vệ Thực vật hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát lại hiện trạng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và việc sử dụng mã số tại các địa phương để làm cơ sở đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng các mã số vùng trồng đã cấp. Đồng thời, chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin trong quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.
Tại địa phương, cần phân công cụ thể cán bộ và cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số. Tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và tránh việc mạo danh mã số cũng như hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số.
Đối với doanh nghiệp, cần chủ động các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để cùng phối hợp xử lý. Thông tin thường xuyên với cơ quan quản lý về vùng trồng, nhà đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình.
Cũng theo Cục Bảo vệ Thực vật, các doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.
Thanh Tùng