Chất lượng sống của bệnh nhân ung thư đại trực tràng sau phẫu thuật: một nghiên cứu cắt ngang tại bệnh viện Bình Dân
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Thiên Thư - Y học Dự phòng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP. HCM, Tô Gia Kiên - Bộ môn Tổ chức Quản lý Y tế - Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP. HCM, Huỳnh Ngọc Vân Anh Bộ môn Thống kê Y học và Tin học - Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP. HCM và Dương Bá Lập - Khoa Ngoại Tổng Quát, Bệnh viện Bình Dân thực hiện.
Ảnh minh họa
Ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong số các ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Đo lường chất lượng sống của bệnh nhân ung thư giúp chăm sóc và quản lý bệnh nhân hiệu quả và giảm thiểu tác động bất lợi trong điều trị. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định điểm số chất lượng sống trung bình của bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư đại trực tràng tại Bệnh viện Bình Dân và các yếu tố liên quan.
Nghiên cứu cắt ngang thực hiện trên bệnh nhân ung thư đại trực tràng điều trị nội trú và người bệnh tái khám ngoại trú tại khoa Ung Bướu, phòng khám khoa Ung Bướu và khoa Tổng Quát I bệnh viện Bình Dân. Đặc điểm về nhân khẩu học, kinh tế - xã hội, thông tin điều trị, chất lượng sống được thu thập qua phỏng vấn trực tiếp, dữ liệu lâm sàng và cận lâm sàng thu thập bằng hồ sơ bệnh án. Chất lượng sống đo bằng EORTC QLQ – C30. Điểm chất lượng sống giữa các đặc điểm của mẫu nghiên cứu được so sánh bằng kiểm định T, ANOVA và Kruskal – wallis. Hồi quy tuyến tính đa biến dùng để xác định mối liên quan giữa các yếu tố với điểm chất lượng sống. Giá trị p <0,05 được xem là có ý nghĩa thống kê.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số 172 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, 63,4 % nam giới và 51,7% trên 60 tuổi. Người bệnh hầu hết có học vấn dưới tiểu học, nghề nghiệp nghỉ hưu/ nội trợ/ thất nghiệp và kinh tế phụ thuộc. Phần lớn mẫu nghiên cứu là ung thư đại tràng, giai đoạn 3 trở xuống, có tình trạng hoạt động tốt (ECOG ≤2). Phương pháp mổ nội soi được sử dụng nhiều và người bệnh không đặt hậu môn nhân tạo. Điểm chất lượng sống trung bình là 77,0 ± 14,2. Bệnh nhân nữ giới, học vấn trên tiểu học, có giai đoạn muộn, nông dân, không có khả năng chi trả, hoạt động kém, có hậu môn nhân tạo hoặc có CEA cao thì điểm chất lượng sống giảm. Các chính sách hỗ trợ bệnh nhân ung thư nên tập trung vào bệnh nhân nữ, nông dân, người không có khả năng chi trả, người có hoạt động suy giảm, người có hậu môn nhân tạo và chỉ số CEA cao.
ctngoc
Tạp chí Y dược TP.HCM, năm 2022, tập 26, số 2